Monday, May 16, 2011

KHÔNG LỰC DO THÁI / ISREAL AIR FORCES Section 2


KHÔNG LỰC DO THÁI
ĐƠN VỊ THƯỢNG HẠNG BẢO VỆ QUỐC GIA
(Phần 2: TRẬN CHIẾN SÁU NGÀY - Tháng 6 năm1967)
V. TRẬN CHIẾN SÁU NGÀY
Ngày 4 tháng Sáu, 1967 lúc 9 giờ đêm.
        Trận chiến thứ ba giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập được coi như bắt đầu kể từ ngày 15 tháng Năm năm 1967. Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser ra lệnh cho các sư đoàn thiết giáp tiến vào bán đảo Sinai. Trước đó hơn một tháng, ngày 7 tháng Tư, các chiến đấu cơ Do Thái bắn rơi sáu phản lực cơ MIG của Syria. Damacus cầu cứu Moscow, người Nga lên tiếng đe doạ Do Thái phải ngừng tấn công Syria ngay tức khắc. Tuy vậy, Syria vẫn tiếp tục pháo kích vào những làng chiến đấu ở phiá bắc làm thủ tướng Eshkol lên tiếng cảnh cáo sẽ trả đũa tương xứng. Tổng tham mưu trưởng quân lực Do Thái lúc đó là Trung Tướng Yitzhak Rabin (Ông ta sau này lên làm thủ tướng rồi bị một người Do Thái qúa khích bắn chết) tuyên bố sẽ làm xụp đổ chính quyền Syria ở Damacus. Vệ tinh gián điệp Nga Sô biết quân đội Do Thái tập trung trong vùng Galilee xắp sửa xâm chiếm Syria vội yêu cầu Do Thái phân tán quân đội ra khỏi vùng Galilee. 
        Như trong hành quân Rotem trước đó bẩy năm, Nasser chỉ muốn chứng minh cho Syria cũng như khối Ả Rập biết mình là lãnh tụ, kẻ cứu độ sắc dân Ả Rập. Do Thái đáp lại bằng cách gọi động viên một số đơn vị nhỏ. Được khối Ả Rập hoan nghênh, Nasser cao hứng yêu cầu vị chỉ huy đạo quân Liên Hiệp Quốc giảm bớt quân số trong giải Gaza, Sharm al Sheikh và Kuntilla. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ chối lời yêu cầu của Nasser, trả lời rằng “Nếu chúng tôi không làm việc nữa thì tất cả sẽ ra đi” Nasser trả lời “Vậy thì bảo họ cuốn gói”. Ngày 19 tháng Năm, quân Liên Hiệp Quốc hạ cờ, rút ra khỏi bán đảo Sinai.
        Trong trận chiến trước đó năm 1956, Do Thái trả lại bán đạo Sinai với điều kiện cho đội quân Liên Hiệp Quốc trấn đóng giữ an ninh, chỉ trong vòng một đêm biến mất. Ngày hôm sau, quân Nhẩy Dù Ai Cập vào chiếm Sharm al Sheikh, ngăn cản tầu bè Do Thái đến hải cảng Eilat nơi phiá nam.
        Do Thái phải ban hành lệnh tổng động viên. Ngoại trưởng Abba Eban qua Paris, London và Washington DC. đòi hỏi những điều kiện của Do Thái trong trận chiến thắng năm 1956. Quân Ai Cập phải rút ra khỏi Sinai và Sharm al Sheikh. Những yêu cầu của vị ngoại trưởng Do Thái bị Ủy Ban Quốc Tế dẹp qua một bên. Ai Cập lúc đó đã đưa 100000 quân vào bán đải Sinai, sẵn sàng tấn công. Ngược lại dân số Do Thái quá ít, nền kinh tế không thể tồn tại nếu tình trạng tổng động viên kéo dài.
        Tổng tham mưu trưởng quân lực Do Thái Yitzhak Rabin yêu cầu xử dụng không quân đánh phủ đầu trước khi ra tay. Tướng Ezer Weizman cựu tư lệnh không quân cũng cho biết, không lực Do Thái có thể tàn phá các phi trường của Ai Cập trong vòng sáu tiếng đồng hồ. Tuy nhiên kế hoạch đánh phủ đầu phải đình lại, quốc hội Do Thái cho thêm một thời gian, hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp.
        Trong khi đó, quân khủng bố Palestine Fatah (Tổ chức Giải Phóng Palestine) được thành lập vào năm 1965 do Syria bảo trợ, bắt đầu vượt biên giới qua ngã Jordan, tấn công các làng chiến đấu, giết thường dân Do Thái. Điều này làm cho khối Ả Rập và cả thế giới có cảm tưởng như Do Thái đang run sợ trước kẻ thù. Ngày 30 tháng Năm, Vua Hussein của Jordan bay qua Cairo kết bạn với Nasser và đồng ý đặt quân đội của ông ta dưới quyền chỉ huy của Ai Cập.
        Trong những năm đầu thập niên 1960s, trưởng phòng Hành Quân Rafi Harlev cùng với Rafi Sivron đã xem xét lại kế hoạch hành quân tấn công làm tê liệt tất cả những căn cứ không quân của khối Ả Rập. Họ cần thêm nhiều yếu tố chi tiết để soan thảo, phác họa kế hoạch hành quân được thành công mỹ mãn. Những chi tiết họ muốn biết bao gồm: chỗ để máy bay, kho vũ khí bom đạn, kho xăng nhiên liệu, những thói quen của các phi công Ả Rập, việc huấn luyện, sơ đồ phòng thủ, hệ thống radar, trung tâm truyền tin trong các phi trường cũng như độ dầy của các phi đạo. 
        Do Thái chuẩn bị cho trận chiến năm 1967 với 180 phi cơ chiến đấu, thả bom đủ loại: Ouragan, Mystère, Super Mystère, Mirage và Vautour. Ngoài ra có thêm 20 phi cơ huấn luyện Fouga Magister được biến cải có thể tấn công những mục tiêu giới hạn, 40 trực thăng và 30 vận tải cơ. Phi cơ trong khối Ả Rập vẫn nhiều hơn gấp đôi số phi cơ của Do Thái. Một mình Ai Cập đã gấp rưỡi với 420 chiến đấu cơ gồm phản lực cơ MIG và Sukhoi. Syria có khoảng 100 phi cơ chiến đấu như Ai Cập. Jordan có 24 và Iraq có 98 chiến đấu cơ.
        Các phi cơ Ai Cập được đặt trong 18 phi trường, trong số đó có 4 phi trường trong vùng Sinai, 3 nằm dọc theo kênh đào Suez, 6 trong vùng bình nguyên sông Nile, và 5 phi trường khác nơi hướng bắc Ai Cập. Syria xử dụng 6 phi trường, Jordan có 2. Trận không tập đầu tiên của Do Thái sẽ nhắm vào 7 phi trường “tiền phương” trong vùng Sinai và kênh đào Suez, 6 phi trường khác trong vùng bình nguyên sông Nile.
        Kế hoạch hành quân Moked soạn thảo từ năm 1963 đã được sửa đổi đều đặn dựa theo tin tức tình báo, những phi vụ không thám đem về. Hành quân này nhằm mục đích vô hiệu hóa không lực của địch trong lần không tập đầu tiên bằng cách thả bom các phi đạo, không cho máy bay địch cất cánh, sau đó tiêu diệt các máy bay của địch bằng hỏa tiễn và đại bác 20 ly. Để phá phi đạo trong các phi trường, Do Thái chế tạo loại bom đặc biệt nặng 154 cân Anh, khi nổ sẽ tạo thành một hố sâu 1.5 thước, đường kính 5 thước. Không như những loại bom cổ điển, bom này được thả trên cao độ 100 thước, có dù để rơi chậm lại và kích hỏa một hỏa tiễn đâm xuyên qua độ dầy của phi đạo 6 giây trước khi qủa bom phát nổ.
        Để đáp ứng nhu cầu cho trận không tập quy mô, rộng lớn, tất cả các phi cơ Do Thái phải mang theo đầy đủ số lượng bom đạn cho mỗi đợt oanh kích. Trong hai đợt đầu tiên, để cho địch không kịp đỡ đòn, toán chuyên viên kỹ thuật phải lo vấn đề bảo trì, bơm xăng, nhiên liệu, trang bị cho phi cơ trong vòng vài phút đồng hồ. Các phi công cũng phải chuẩn bị bay bốn hoặc năm phi vụ mỗi ngày. Không lực Do Thái cũng phát triển một hệ thống cấp cứu, đặc biệt lo cho những phi công cùng với các phi cơ bị trúng đạn hư hại.
        Những tuần lễ trước tháng Sáu năm 1967, kế hoạch cho hành quân Moked được điều chỉnh dựa theo tin tức tình báo mới nhất. Không lực Do Thái dự liệu rằng không lực Syria sẽ không kịp phản ứng sau đợt oanh kích đầu tiên do đó mọi nỗ lực dành cho trận oanh kích 13 căn cứ không quân của Ai Cập, đánh cho “vỡ mặt vỡ mũi”, đánh cho gẫy cánh, què chân, làm kiệt quệ sức kháng cự của địch.
        Các mục tiêu được chọn lựa, phân chia tùy theo tầm mức quan trọng và khả năng loại máy bay tấn công của Do Thái. Ưu tiên một vẫn dành cho các phi trường chứa các loại phi cơ tối tân MIG-21, TU-16 của Nga Sô mới viện trợ cho Ai Cập. Các loại phi cơ cũ Ouragan, Mystère, Fouga Magister được phân chia nhiệm vụ thanh toán các căn cứ trong bán đảo Sinai. Các loại mới tối tân tốc độ bay nhanh, tầm hoạt động xa hơn như Super Mystère và Mirage được giao cho các mục tiêu dọc theo kênh đào Suez, bình nguyên Delta. Loại Vautour tầm hoạt động xa sẽ nhận những mục tiêu trong đất Ai Cập. Giờ chót, không lực Do Thái được biết Ai Cập có phi đoàn MIG-21 trong một phi trường gần đó, họ cho thêm mấy chiếc Mirage bay theo hộ tống các phi cơ Vautour.
        Về phi trình, các phi cơ Do Thái sẽ cất cánh từng phi đội bốn chiếc một, gom lại trên vùng biển Điạ Trung Hải sau đó bay đến mục tiêu đã định sẵn. Các phi công cũng được lệnh bay với tốc độ dưới Mach 1, cao độ không được quá 30 bộ để tránh radar của Ai Cập. Khi trận không tập bắt đầu, chỉ có một dàn radar của Jordan đặt tại Amman khám phá ra các phi cơ Do Thái, tuy nhiên viên sĩ quan trực cho là phi cơ của Đệ Lục Hạm Đội Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ thấy được tình hình nghiêm trọng ở Trung Đông đã ra lệnh cho Hạm Đội 6 tiến vào vùng biển Điạ Trung Hải.
        Sau một thời gian nghiên cứu điạ thế, thời tiết trong vùng thung lũng sông Nile, tìm hiểu phương thức làm việc của người Ai Cập trong các phi trường, thói quen của các phi công. Do Thái được biết đúng 7 giờ 45 phút sáng các phi công Ai Cập đã bay trở về căn cứ sau chuyến bay tuần lúc rạng đông, sau đó họ đi ăn sáng trong các câu lạc bộ, ra ngoài hệ thống truyền tin liên lạc. Lúc đó mặt trời đã lên, làm tan đi những đám mây, làn sương sớm, mục tiêu sẽ hiện ra rất rõ cho các phi cơ tấn công.
        Trong giai đoạn cuối sửa soạn kế hoạch hành quân Moked, Trung Tướng Moti Hod đã phải thuyết trình trong bộ tư lệnh tối cao quân lực. Thủ Tướng Eshkol ra lệnh “Không để cho địch thả bom trong thủ đô Tel Aviv”. Tướng Hod chỉ hy vọng thủ đô sẽ không bị trận không tập nặng nề.
        Ngày 5 tháng Sáu, lúc 7 giờ sáng, trong trung tâm hành quân không quân xây ngầm dưới mặt đất, tướng Moti Hod ban lệnh hành quân Moked. Các đội hình phi cơ Do Thái bắt đầu rời phi đạo từ các phi trường: Ramat David, Tel Nof và Hatzor. Một trăm sáu mươi chiến đấu, oanh tạc cơ lần lượt nối đuôi nhau bay ra biển Điạ Trung Hải.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 5 giờ sáng. Chàng phi công Zvi Umshweif
        Yalo Shavit, phi đoàn trưởng phi đoàn Bò Cạp (Scorpion) cầm trong tay lệnh hành quân Moked đọc to cho mọi quân nhân trong phi đoàn đều nghe. Zvi Umshweif sung sướng đứng nghe lệnh hành quân cũng như các phi công khác đã chờ đợi giây phút này từ hơn hai tuần qua. Lệnh hành quân cho biết buổi sáng hôm đó, quân lực Do Thái sẽ tiến vào bán đảo Sinai với ba lữ đoàn và không lực sẽ phải đánh dọn đường, tấn công các căn cứ không quân Ai Cập vào lúc 7 giờ 45 phút sáng. Yalo đọc tiếp lệnh hành quân chi tiết, nhiệm vụ của phi đoàn Bò Cạp oanh kích hai phi trường quân sự ở Kabrit và Inshas.
        Như một giấc mơ, những kỷ niệm xưa về sự tàn sát dân Do Thái (Holocaust) sống lại trong tâm trí người sĩ quan phi công Zvi. Hình ảnh một cậu bé sáu tuổi bị đưa vào trại tử thần Auschwitz cùng với cha mẹ. Cha của chàng là một nhà hóa học nổi tiếng mà Quốc Xã (Nazis) Đức rất cần, cũng vì vậy Zvi cùng với mẹ được dung tha. Mỗi buổi sáng, hai mẹ con đứng nhìn binh sĩ Đức áp tải người chồng, người cha đi làm việc. Sau đó, cha của Zvi biến mất, bà mẹ nhiễm bệnh thương hàn rồi cũng ra đi. Cậu bé Zvi Umshweif được đem đến một tu viện bên Tiệp Khắc và được một bà sơ chăm sóc như một bà mẹ lo cho con. Muốn dấu kín tông tích cậu bé Do Thái, họ khuyên Zvi đổi tên họ nhưng cậu bé can đảm từ chối vì là giọt máu cuối cùng trong gia đình.
        Sau khi trận Thế Chiến chấm dứt, nhờ vẫn giữ tên cũ, một người chú của Zvi tìm ra người cháu và đưa chàng về quê hương Palestine. Lúc đó Zvi đã lên chín tuổi, được lên xe hỏa rời một trại tập trung ở Đức đi Marseilles, rồi từ đó dùng giấy thông hành giả về miền đất Hứa Israel. Zvi Umshweif trưởng thành nơi làng chiến đấu Ein HaMifratz. Đến năm 1955 Zvi trở nên một phi công và một lực sĩ đánh bóng chuyền trong đoàn tuyển thủ quốc gia. Nhân dịp đoàn lực sĩ Do Thái được đưa qua Tiệp Khắc tranh tài, Zvi đi tìm bà sơ năm xưa mà chàng coi như mẹ. Zvi được toại nguyện, chàng ôm chầm lấy bà sơ, cố gắng cắn chặt hai hàm răng để đôi giòng nước mắt khỏi tuôn ra. Trước mặt bạn bè, người sĩ quan Do Thái trước khi ra trận không được khóc.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 5 giờ sáng. Phi đoàn Inverted Sword
        Trong phòng thuyết trình đầy phi công, nhân viên cơ khí trong phi đoàn, vị phi đoàn trưởng ban lệnh hành quân Moked từng giai đoạn một và nhiệm vụ của phi đoàn. Phi đoàn Inverted Sword (Thanh Kiếm Ngược – lưỡi kiếm hướng xuống đất) được chia làm nhiều toán bay những phi vụ cấp cứu những phi công hoặc phi hành đoàn lâm nạn. Phi đoàn này nhận thêm nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu bộ chỉ huy tiền phương lục quân trong trường hợp cần đến và chiếm đóng những phi trường của Ai Cập khi lấy được.
        Sau khi tan hàng, nhân viên kỹ thuật, hành chánh lên đoàn xe vận tải di chuyển đến Ashkelon thiết lập bộ chỉ huy tiền phương. Một trực thăng được lệnh lên túc trực nơi hướng bắc, hai chiếc khác nằm tại phi trường Tel Nof cho những phi vụ cấp cứu trong vùng trung tâm Do Thái. Hai trực thăng bay lên phi trường Sde Dov làm việc với vị Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực và những nhiệm vụ khác.
        Phần còn lại do vị phi đoàn trưởng dẫn đầu 24 chiếc trực thăng bay trên đầu ngọn cây. Tất cả giữ im lặng vô tuyến để bảo mật cho các phi cơ oanh kích, chiến đấu đang trên đường đến mục tiêu. Trên đầu họ là những đội hình phản lực: Mystère, Super Mystère và Mirage. Những phi cơ này mang theo đầy bom đạn, hỏa tiễn.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 7 giờ sáng. Trong phi trường Hatzor
        Chàng phi công Zvi Umshweif kể lại: Chúng tôi được lệnh cất cánh trong vòng hai phút. Tất cả mọi chuyện, từ lúc cất cánh cho đến lúc đến mục tiêu đã được tính toán tỷ mỉ. Biết rằng thời gian là yếu tố quan trọng, trong trận này chúng tôi phải tính toán từng giây. Căn cứ không quân đã có thêm hàng ngàn quân nhân trừ bị. Trong khi chờ đợi lệnh hành quân, họ đi tắm biển làm bãi biển đầy những người. Tôi tự hỏi khi đến mục tiêu, các chiếc MIG-17 có còn nằm chờ chúng tôi trong phi trường Kabrit nữa không. Chúng tôi đã được thuyết trình rất chi tiết về căn cứ không quân của địch. Những tấm không ảnh đã in sâu vào trong trí óc tôi, lộ trình đi về là 280 cây số, thời gian bay mất nửa tiếng đồng hồ.
        Trên không, lực G khoảng 500 knot dán tôi dính vào ghế. Bỗng dưng phi trường Kabrit hiện ra trước mắt. Rõ hơn trong những tấm không ảnh, phi đạo mầu đen chạy dài nổi bật lên trên cánh đồng cỏ. Những chiếc MIG-17 đậu sát nhau đúng như trong phim. Không thấy có chiếc máy bay nào của địch di chuyển, tôi không thể nào tin được, phe mình đã hoàn toàn làm địch bị vố bất ngờ.
        Tụi tôi bắt đầu lao xuống từng chiếc một. Tôi tập trung vào góc độ, tốc độ và cao độ. Phi đạo trong phi trường Kabrit lớn dần. Đợi đến đúng lúc, tôi bấm nút thả quả bom ra rồi kéo cần lái bay vút lên. Những chuyến lao xuống kế tiếp chúng tôi xử dụng đại liên. Nhiều tiếng nổ phát ra từ dưới đất, bom nổ chậm xuyên qua độ dầy của phi đạo phát nổ làm thành những hố lớn. Sau khi biến các phi đạo trong phi trường đầy những hố, các chiếc MIG-17 đang đậu là mục tiêu kế tiếp. Các phi cơ trong phi đoàn đã thả hết bom, đạn cũng đã vơi đi, lao xuống thật nhanh nhắm vào những chiếc phản lực của địch đang đậu thành hàng dài trên mặt đất. Tôi ngạc nhiên, vẫn chưa nghe tiếng súng phòng không của địch. Trên hệ thống truyền tin, tôi được biết trên không phận một phi trường gần đó đang có trận không chiến.
        Tôi để cho hàng dài MIG-17 vào tầm súng, bóp cò khẩu đại bác 30 ly. Đạn đại bác cầy trên đường, dưới bụng những chiếc phi cơ Ai Cập. Những chiếc MIG-17 đổ nghiêng qua một bên. Hoàn toàn làm chủ bầu trời, vẫn còn đủ xăng, chúng tôi đi lùng thanh toán những chiếc còn lại đậu rải rác trong phi trường. Nhiệm vụ hoàn tất tốt đẹp hơn trong dự tính.
        Tôi chợt nghe tiếng vị phi đoàn trưởng nói trên máy vô tuyến “Tôi vừa mới hạ được chiếc IL-41”. Chiếc máy bay vận tải cỡ lớn do Nga Sô chế tạo đang trên đường về phi trường Kabrit sau một phi vụ tiếp tế. Trước sự tấn công “tàn bạo” của các phi cơ Do Thái, viên phi công lái máy bay vận tải Ai Cập sững sờ, mất hồn không biết bay đi đâu, rồi bay đúng vào tầm đạn phi cơ của vị phi đoàn trưởng Yalo Shavit. Chiếc IL-41 tiếp tục bay kéo theo cột khói đen sau đuôi.
        Sau lần lao xuống cuối cùng, căn cứ không quân Kabrit của Ai Cập chỉ còn những cột khói, đài kiểm soát không lưu đã xập đổ, kho nhiên liệu đang bốc cháy. Bỗng nhiên, tiếng Yalo lại vang lên “Ủa! Chiếc IL-41 vẫn chưa rớt! Sao có chuyện này nữa? Tôi đã trông thấy nó đâm xuống đất! Ô! Ô! Xin lỗi các bạn, chiếc IL-41 này là chiếc khác”.
        Các phi công Do Thái đuổi theo chiếc phi cơ vận tải Ai Cập đang định bay thoát vào Sinai. Chiếc phi cơ cũng đã trúng đạn, cuộn khói đen tuôn ra từ chiếc máy bay. Đến cuối tuần, quân bộ binh Do Thái tìm được chiếc máy bay Ai Cập bị rớt, bên trong đầy xác lính nhẩy dù Ai Cập.
        Các phi công trong phi đoàn Bò Cạp sau khi “thanh toán chiến trường” đổi hướng bay vào vùng Sinai theo lộ trình trở về căn cứ. Bỗng dưng viên phi công phi tuần trưởng phi tuần số 2 báo động trên hệ thống vô tuyến “Có phi cơ MIG trên trời”. Hai phản lực cơ MIG-21 xuất hiện dường như đang trên đường bay thoát ra khỏi căn cứ không quân Ai Cập đang bị oanh kích ở Faid hoặc Bir Gafgafa. Viên phi công vừa lên tiếng báo động, xin lệnh tấn công hai chiếc MIG-21, anh ta muốn cho thêm hai chiếc phi cơ Ai Cập vào bảng phong thần nhưng vị phi đoàn trưởng từ chối “Xả hết tốc độ bay về hướng đông. Tránh xa bọn nó, tránh trận không chiến”.
        Một chiếc MIG-21 bay đến sau đuôi chiếc phi cơ của Zvi Umshweif. Viên phi công Do Thái bẻ góc hai lần làm cho chiếc MIG-21 bây giờ xuất hiện trước mặt chàng. Zvi bóp cò khẩu đại bác 30ly nhưng đã hết đạn, chàng bay vụt lên cao tránh phi cơ địch rồi lấy hướng bay về căn cứ. Trên đường về Zvi được biết người phi công phi tuần trưởng tử nạn, tổn thất đầu tiên trong phi đoàn. Âu cũng là số phận, kể cũng buồn.
        Trên không phận phi trường Hatzor, Zvi báo cáo cho đài kiểm soát không lưu vẫn còn 200 lít xăng và được lệnh tiếp tục bay vòng trên bầu trời. Nhiều phi cơ khác đã gần hết xăng cần được ưu tiên xuống trước.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 7 giờ 45 phút sáng. Phi công Oded Sagee      
        Chúng tôi bay ngang qua kênh đào Suez đúng theo giờ giấc đã tính sẵn. Sau đó bay về hướng mục tiêu và phi trường Ai Cập hiện ra rõ ràng ở dưới đất. Không như phi trường quốc tế Cairo có cả hai loại phi cơ quân lẫn dân sự, phi trường Cairo West hoàn toàn dành cho quân sự. Mục tiêu phi trường Cairo West được ưu tiên trên bảng phong thần vì nơi này tập trung các pháo đài bay hạng trung và hạng nặng do Nga Sô chế tạo. Ngoài những oanh tạc cơ TU-16, IL-28, phi trường Cairo West có thêm những phi đoàn tác chiến với các loại phản lực MIG-21, MIG-17, MIG-15 và SU-7. Căn cứ không quân quan trọng này có nhiệm vụ không tập những thành phố của Do Thái giết thường dân.
        Mục tiêu phi trường Cairo West là một trong những mục tiêu xa nhất trong đợt không tập đầu tiên, do đó phi đoàn chúng tôi được một phi tuần Mirage bay theo bảo vệ. Trong những quả bom cân nặng nửa tấn đem theo, tám quả được gắn đầu nổ chậm từ 7 đến 14 phút, khi phát nổ sẽ đào một hố sâu trên phi đạo.
        Sau khi phá hủy phi đạo để phi cơ địch không còn xử dụng được, chúng tôi được lệnh thanh toán nhũng mục tiêu còn lại theo thứ tự ưu tiên. Mục tiêu đầu tiên là những pháo đài bay hạng nặng TU-16, tôi bóp cò khẩu đại bác 30 ly, chiếc TU-16 nghiêng đi rồi đổ xụp xuống theo sau là cuộn khói. Sau vài lần oanh kích, phi trường Cairo West của Ai Cập đầy những cột khói đen bốc lên cao như những cây nấm.
        Nhiều phi công trong phi đoàn muốn “làm tiếp” nhưng đã được dặn dò trong phần thuyết trình buổi sáng trước khi ra đi. Đoạn đường xa, phải để dành ít nhất 400 lít xăng cho chuyến bay về căn cứ. Tôi gom các phi cơ trong phi đoàn lại và ra lệnh trở về. Nhận nhiệm vụ tấn công mục tiêu xa nhất, phi đoàn tôi cất cánh đầu tiên và cũng là những phi cơ cuối cùng bay về đến phi trường Tel Nof trong tiếng reo hò của các đồng đội, các chuyên viên kỹ thuật, cơ khí. Trong khi chúng tôi đi vào phòng hành quân để báo cáo kết qủa, các chuyên viên kỹ thuật đã chuẩn bị chiếc máy bay với đầy đủ bom đạn, xăng nhớt cho một toán phi công khác lên đường.

Ngày 5 tháng Sáu. Phi công Yaakov Terner
        Phi đoàn Đầu Sư Tử (Lion’s Head) dưới quyền Yaakov Terner xử dụng loại phi cơ Ouragan đem theo số lượng vũ khí nhẹ hơn những loại máy bay khác. Lý do, không lực Do Thái muốn chiếm giữ phi trường gần nhất El Arish của Ai Cập để xử dụng. Hai phi tuần Ouragan được lệnh không đem theo bom phá phi đạo, đi oanh kích phi trường El Arish.
        Bộ tổng tham mưu quân lực Do Thái vẫn chưa chắc chắn, đơn vị Thiết Giáp của ta sẽ chọc thủng phòng tuyến của địch ở Rafah hôm đó nên quyết định xử dụng lữ đoàn Nhẩy Dù tấn công El Arish. Lữ đoàn Dù dưới quyền Mota Gur đang nằm chờ từ buổi sáng bên cạnh những chiếc vận tải cơ Nord và Dakota thuộc phi đoàn vận chuyển. Một tiểu đoàn Dù sẽ nhẩy dù xuống đánh chiếm phi trường trong khi đợi các đơn vị bạn đến bằng đường bộ.
        Lệnh hành quân cho phi đoàn Ouragan rõ ràng không được thả bom phi đạo và đài kiểm soát không lưu. Các phi công trong phi đoàn chỉ xử dụng đại bác tiêu hủy những chiếc MIG-17 đang đậu trong phi trường. Phi trường El Arish cũng bị bất ngờ như những phi trường khắc, các chiếc MIG-17 đậu thành hàng dài, sau chuyến bay tuần tiễu buổi sáng sớm. Viên sĩ quan phi đoàn trưởng Terner cùng với các phi công trong phi đoàn lao xuống bắn đại bác 30 ly vào hàng máy bay đang đậu. Sau ba đợt oanh kích, các phản lực MIG-17 bốc cháy, cơ phận của phi cơ văng tứ phiá.
        Terner bay ngang qua đài kiểm soát không lưu, các quân nhân Ai Cập đang đứng nơi ban công nhìn sững sờ những chiếc MIG-17 đang bốc cháy, không biết phải làm gì. Mặc dầu đã được lệnh không được oanh kích phi đạo và đài kiểm soát không lưu, Terner thấy gai mắt xả một tràng đại liên trước khi ra lệnh cho phi đoàn bay trở về căn cứ.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 8 giờ 15 phút sáng. Phi đoàn Inverted Sword
        Phi công trực thăng cấp cứu Itzik Segev ngồi trong bộ chỉ huy hành quân tiền phương ở Ashkelon lắng nghe những báo cáo do các phi công tham dự các trận oanh kích gửi về. Toàn là những thành quả tốt đẹp, phi đoàn cấp cứu coi bộ không có “Job - công ăn việc làm”. Itzik quay sang Yitzhak Shani nói “Chưa chắc họ đã cần mình đưa quân Nhẩy Dù vào vùng hành quân”. Shani gật đầu, thêm vào “Bọn mình cũng không có dịp bay đi cấp cứu. Toàn là tin chiến thắng, chưa nghe báo cáo nào về bị trúng đạn, bị thương”.
        Shani hướng mắt nhìn ra xa xôi, để ý có một chấm đen rồi biến mất. Itzik cũng nhìn về cùng hướng, để ý theo dõi. Bỗng một chiếc Ouragan lẻ loi đang bay từ biển vào, rồi một chiếc dù bung ra. Cả hai phi công trực thăng nhìn nhau, không cần nói một lời, chạy vội ra chiếc trực thăng đang đậu gần nhất, bay đến chỗ viên phi công vừa nhẩy dù ra.
        Viên phi công lái chiếc Ouragan trúng đạn phòng không đã rơi xuống nước, bơm hơi vào chiếc áo cấp cứu, nhìn thấy chiếc trực thăng cấp cứu đang ở trên đầu. “Chúc mừng bạn lên tầu Salant”. Salant là một phi đội trưởng trong phi đoàn Ouragan mừng rỡ “Gì mà các bạn nhanh vậy? Tôi vừa báo cáo xong, các bạn đã có mặt! Có đường giây truyền tin nào bí mật trong không quân chúng ta mà tôi không được biết?”
        Trên đường trở về không đoàn trong căn cứ không quân Hatzor, Salant báo cáo chàng ta đã xong nhiệm vụ oanh kích phi trường Bir Gafgafa, bỗng dưng trúng đạn phòng không làm hư máy bay. Salant cố gắng lết trở về căn cứ, khi trông thấy bộ chỉ huy tiền phương Ashkelon chàng nhẩy dù ra và được cứu thoát.
        Các phi công trong phi đoàn trực thăng cấp cứu Inverted Sword “bốc” nhanh quá, khi họ đưa Salant trở về đơn vị, phi đoàn của chàng ngạc nhiên vẫn chưa biết chuyện Salant bị trúng đạn phòng không. Chiếc nón bay của Salant, ngày hôm sau được sóng đánh dạt vào bờ biển, dân làng tưởng chàng hy sinh, lấy tên Salant đặt tên đường, sau đó không lực Do Thái phải đính chánh lại.

        Trong đợt không tập đầu tiên, mười một căn cứ không quân Ai Cập bị tấn công và trong những phút đầu tiên 187 trong số 420 phi cơ Ai Cập bị tiêu hủy. Không lực Do Thái đã làm cho Ai Cập hết khả năng oanh kích những thành phố lớn của Do Thái. Mục tiêu thứ mười một, phi trường Quốc Tế Cairo không có tên trong bảng phong thần. Một phi đội phản lực Mirage trên đường đến mục tiêu ở Inshas gặp sương mù lạc đường rồi nhận ra thủ đô Cairo ở dưới, luôn tiện các phi công Do Thái bắn phá những phi cơ quân sự của Ai Cập đang đậu trong phi trường.
        Tất cả những căn cứ không quân tiền phương, trong bán đảo Sinai của Ai Cập đều bị tiêu hủy, gần hết số phi cơ kể cả những oanh tạc cơ trong các phi trường này đều bị loại khỏi vòng chiến. Tại vài căn cứ, các phi công Do Thái gặp sức kháng cự của địch. Phòng không trong phi trường ở Bir Gafgafa trong vùng Sinai bắn rớt một phi cơ Ouragan, viên phi công tử trận. Đạn phòng không từ Inshas bắn lên trúng qủa bom trên một chiếc Super Mystère phát nổ, thêm một phi công thiệt mạng. Phi đoàn trưởng Yalo Shavit cũng trúng đạn, chàng bay về được phi trường Hatzor đáp xuống bằng bụng. Yonathan Shahar chỉ huy một phi đội Mystère bị mảnh vụn từ một chiếc MIG trúng máy bay, chàng nhẩy dù ra và may mắn được trực thăng vào cứu thoát.
        Không lực Ai Cập kháng cự mạnh nhất ở Abu Suweir. Bốn chiếc MIG-21 cất cánh kịp thời lên ngăn chận phi đội Vautour dự định sẽ bắn phá, tiêu hủy những pháo đài bay IL-28 đóng trong phi trường. Trong khi các phi công Do Thái tập trung vào việc thả bom phi đạo, bốn chiếc MIG-21 bắn rớt một phi cơ Vautour. Phi cơ Do Thái đem theo nhiều bom đạn, bay chậm hơn, Ben Zion Zohar khiêu khích làm mồi cho các chiếc MIG-21 đuổi theo để các bạn tấn công phi trường Abu Suweir. Trung tâm hành quân không lực Do Thái gửi lên ba phản lực cơ Mirage từ một phi trường gần đó lên cứu Zohar. Các phi cơ Mirage bắn rơi ba chiếc MIG-21. Zohar sau đó thả bom phá hủy dàn radar với hỏa tiễn điạ không SA-2, chàng về đến căn cứ lúc đó chiếc phi cơ đã gần hết xăng.
        Trong đđợt không tập đầu tiên, Do Thái mất bẩy phi cơ, năm phi công tử trận và hai bị bắt. Đây là một con số quá nhỏ so với sự thành công, số phi vụ và số phi cơ tham chiến. Trong vòng một tiếng đồng hồ, không lực Do Thái đã chiếm thế thượng phong, làm chủ vùng Sinai. Sự thiệt hại còn rộng lớn hơn nữa vẫn còn dấu kín trong thủ đô Cairo của Ai Cập. Bị vố quá nặng nề, không còn sức phản công, trả đũa, bộ tư lệnh không quân Ai Cập ra lệnh, đem những chiếc máy bay còn lại đi dấu trong những phi trường nhỏ, hẻo lánh.
        Đúng 9 giờ sáng, hai bộ tư lệnh, quân lực và không quân Do Thái có hai niềm cảm xúc khác nhau. Tướng không quân Ezer Weizman hãnh diện tuyên bố “Tôi đã qủa quyết ... như vậy mà!”. Trong khi đó tướng Yitzhak Rabin tổng tham mưu trưởng vẫn còn ngạc nhiên “Chuyện khó tin ... nhưng có thật”.

Ngày 5 tháng Sáu 1967: Phi công Zvi Umshweif
        Sau khi trở về căn cứ, Zvi cùng với các bạn chạy vào phòng họp nhận lệnh hành quân cho phi vụ kế tiếp. Trận không tập vẫn phải liên tục giáng xuống đầu địch quân ngay tức khắc, không để cho địch lấy lại sức. Bắt đầu từ phi vụ thứ hai, không lực Do Thái không cần phải phối hợp, tính toán giờ giấc chính xác để tạo yếu tố bất ngờ. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ giữa hai phi vụ, Zvi UmshWeif đã ngồi trong buồng lái, sẵn sàng ra đi chinh phạt. Lần này mục tiêu dành cho phi đoàn của chàng là căn cứ không quân Inshas.
        Phi đoàn tấn công vẫn bay theo đội hình tác chiến, cao độ thấp. Các phi công Do Thái lần này được an tâm hơn, các dàn radar Ai Cập đã bị phá hủy gần hết, tuy nhiên vẫn phải đề phòng địch có thể đưa phản lực cơ MIG-21 lên ngăn chặn. Vấn đề định hướng (navigation) cũng không lo, đã có những cột khói đen từ lần oanh kích trước hướng dẫn. Theo tin tình báo, Ai Cập có thể có hỏa tiễn điạ-không SA-2 trong vùng, họ không lo bảo vệ phi trường bằng lo cho lò nguyên tử gần phi trường Inshas.
        Làn sương sớm che phủ, bảo vệ phi trường Inshas trong lần không tập trước đã tan đi. Không thấy có phi cơ địch lên ngăn chặn, tuy nhiên hệ thống phòng không đã được báo động rằng tất cả các máy bay trên trời đều là của Do Thái. Quân phòng thủ phi trường bắn lên loạn xạ bằng đủ loại cao xạ, kể cả hỏa tiễn khi các phi cơ Do Thái chưa đến mục tiêu.
        Lần đầu tiên Zvi trông thấy hỏa tiễn SA-2, từ dưới đất bay lên trông như một trụ điện bay xuyên qua làn mây đuổi theo phi cơ Do Thái. Thấy không có gì nguy hiểm, chàng nhắm vào giữa phi đạo, lấy góc độ rồi bay xuống thả bom. Khi bay lên Zvi bẻ góc ngặt để tránh đạn phòng không. Sau khi thả bom, các phi công Do Thái “xuống” thêm một lần nữa, bắn đại bác vào những chiếc MIG đang đậu trong phi trường. Như thế là đủ, phi đoàn gom lại rồi bay về căn cứ, tránh đạn phòng không của địch.
        Phi vụ thứ ba trong ngày cho các phi công trong phi đoàn là phi trường ở Mansura, nơi có phi đoàn MIG-17 của Ai Cập. Phi trường này chỉ có một phi đạo nhỏ nằm nơi hướng bắc bình nguyên sông Nile. Đến mục tiêu, viên phi công phi đoàn trưởng báo cáo về là ở dưới đất chỉ là cánh đồng cỏ, không thấy có bóng dáng chiếc MIG-17 nào (có lẽ tình báo, không ảnh đã lầm). Trung tâm hành quân không quân cám ơn họ và yêu cầu họ bay đến một mục tiêu khác, yểm trợ cho đơn vị bộ binh trên đường về.
        Trung tâm hành quân không quân bỗng thở ra nhẹ nhõm khi được báo cáo, các phi công Do Thái đã tìm ra phi trường ở Mansura. Quân Ai Cập ngụy trang quá khéo, do sự tình cờ một chiếc MIG-17 trên đường bay về căn cứ bị các phi công Do Thái trông thấy, bay theo rồi oanh kích, phá hủy phi trường MIG-17 ở Mansura.

Ngày 5 tháng Sáu 1967 lúc 10 giờ sáng. Phi công Oded Sagee
        Phi đoàn Oded bay với cao độ băng qua sa mạc Sinai và kênh đào Suez từ hướng tây nam. Mục tiêu của phi đoàn là El Miniya cách thủ đô Cairo 200 cây số. Phi trường quân sự này chứa phi cơ vận tải IL-14 mà có thể biến cải để thả bom. Các phi công phải bay trên một độ cao để giảm nhiên liệu và mục tiêu nằm quá xa. Trong đợt không tập lần thứ hai này, các phi công Do Thái không còn lo ngại các chiến đấu cơ MIG-21 của Ai Cập lên ngăn cản, ngoài ra vẫn có một phi tuần phản lực cơ chiến đấu Mirage cất cánh từ phi trường Hatzor bay theo bảo vệ.
        Phi đội do Lev “Zorik” Arolozor chỉ huy bay theo đuôi Oded, chàng nghe “Zorik” nói trên máy vô tuyến “Ê Doorframe! Bạn còn đủ xăng không?”, Oded trả lời “Dư sức”. “Zorrik” nói tiếp “Bọn tôi còn ít hơn. Cho bọn tôi đánh trước được không?”. Viên sĩ quan phi đoàn trưởng Oded biết anh chàng này “ba xạo”, muốn vào trước để ghi công đầu khi phi trường của địch còn nguyên vẹn. Oded trả lời “Nếu bạn hết xăng, chúng tôi sẽ gửi qua cho bạn một can xăng!”
        Các phi công Do Thái đã đến mục tiêu, nhìn xuống phi trường El Miniya nằm bên hướng tây của giòng sông, mầu xanh tươi mát đem nguồn sống qua vùng sa mạc. Hai chiếc phi cơ đầu tiên lao xuống thả bom. Hai chiếc khác đợi kết qủa, định hướng gió rồi xuống theo thả bom rất chính xác. Sau khi ném bom phá hủy phi đạo, phi tuần Mirage bốn chiếc vào thanh toán những chiếc IL-14 đậu trong phi trường bằng hỏa tiễn và đại bác. Sau hai đợt tấn công. nhiều cột khói đen trong phi trường bốc lên. Chàng phi công “Zorik” cùng các bạn trong phi đội bay trên cao mục kích trận không tập chờ đến phiên.
        “Zorik” nóng lòng lên tiếng.
        -    “Ê! Các bạn chừa một ít lại cho tụi này chứ!”
-           Chuyện nhỏ. Nói xong Oded bay vụt lên, ra lệnh gom phi đội lại, ra khỏi mục tiêu.

        “Zorik” ra lệnh tấn công cho phi đội của chàng lao xuống, rồi có tiếng báo cáo, than thở trên hệ thống vô tuyến “Ơ... Họ không chừa cho mình một chút nào hết!”

Ngày 5 tháng Sáu. Phi công Herzle Bodinger
        Herzle Bodingger ngồi suy tư trong chiếc Vautour, đường bay dài quá. Phi đoàn của chàng nhận lãnh mục tiêu xa nhất, nằm sâu trong đất Ai Cập, Luxor cách khoảng 800 cấy số.
Bodinger cùng các phi công trong phi đoàn chưa từng viếng Luxor và cũng chưa bay chuyến nào xa như vậy. Luxor nằm trong phần phiá trên (thượng) của Ai Cập với những đền thờ rộng lớn, khổng lồ được xây từ những triều đại vua Pharoah Ai Cập trước công nguyên. Luxor cũng là nơi được chọn làm chỗ chôn cất các vì vua bên bờ sông Nile (Thung lũng của các vì vua – Valley of the King). Huyền thoại ngôi mộ vua Tutankhamen (King Tut) cùng với của cải, vàng bạc, châu báu cũng được khám phá từ trong vùng này. Không quân Ai Cập đã cho di tản những phi cơ thả bom chưa bị trúng đạn trong lần không tập buổi sáng từ phi trường Cairo West về dấu nơi một phi trường nhỏ đằng sau những đền thờ khổng lồ ở Luxor.
        Loại phản lực Vautour có hai chỗ ngồi, chuyên viên cơ khí Do Thái đã sửa lại thành một chỗ ngồi và trang bị thêm để có thể oanh tạc những mục tiêu ở xa giữa ban ngày. Mỗi chiếc Vautour đem theo sáu qủa bom cân nặng từ 100 đến 500 kilo và đạn cho khẩu đại bác 30 ly. Để giữ bí mật, phi đoàn Bodinger bay thật cao và giữ im lặng vô tuyến trên lộ trình bay đến mục tiêu.
        Phi đoàn Vautour đã oanh kích phi trường Beni Suweif trên đất Ai Cập vào buổi sáng nên có thêm kinh nghiệm. Phi trường ở Luxor xây trong xa mạc, lằn đen của phi đạo hiện rõ ràng tương phản với nền cát vàng trên sa mạc làm mục tiêu dễ dàng cho những phi công Do Thái. Bodinger cùng với các bạn tiêu hủy phi đạo cùng với những chiếc máy bay thả bom hạng nặng TU-16.
        Trên đường bay về căn cứ không quân Tel Nof, chiếc phi cơ của Bodinger gặp trục trặc kỹ thuật, hệ thống bơm xăng bị hở (leak) làm thiếu xăng. Chàng hy vọng sẽ đáp được xuống một phi trường nơi phiá nam Do Thái. Đang bay trên vùng biển Hồng Hải (Red sea), Bodinger biết thêm rằng bình xăng dự trữ cũng bị trúng đạn. Bình tĩnh, chàng lấy hướng bay vào sa mạc Sinai, đáp trong sa mạc và đợi trực thăng cấp cứu đem về Do Thái.
        Khi Bodinger trông thấy vịnh Eilat, chiếc máy bay hết xăng, chàng hy vọng sẽ đáp được xuống một phi trường dân sự gần đó. Phi đạo trong phi trường dân sự này rất ngắn, cho loại phi cơ cánh quạt, chưa một chiếc phản lực nào dám đáp. Cả hai động cơ chiếc Vautour đã ngưng hoạt động vì hết xăng, Bodinger bay lượn chiếc phi cơ đến đầu phi đạo và từ từ hạ cánh. Một toán chuyên viên cơ khí, kỹ thuật tức tốc gắn vào chiếc máy bay bình xăng tạm và tối hôm đó Bodinger về đến căn cứ không quân Ramat David, cùng với các phi công trong phi đoàn sẵn sàng bay cho ngày hôm sau.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 12 giờ trưa. Phi công Ran Ronen
        Trước đó hai giờ, phi đội của Ronen đã tiêu hủy hai oanh tạc cơ IL-28 trong căn cứ không quân Abu Suweir nơi hướng tây Ismailia. Trong phòng họp hành quân, nhiệm vụ kế tiếp được trao cho Ronen cùng với các bạn là tấn công phi trường ở Gardeka. Phi trường này vẫn chưa bị tấn công, nằm cách xa 600 cây số, chứa một số phản lực cơ MIG cùng trực thăng, bảo vệ biển Hồng Hải. Phi cơ Mirage của Do Thái đem theo bom 500 kilo, đại bác 30 ly cùng hỏa tiễn không chiến Shafrir do Do Thái chế tạo.
        Các phi cơ Mirage bay trên cao độ 22000 bộ để dễ định hướng, khi đến Sharm Al Sheikh họ xuống cao độ thấp sát mặt nước biển. Viên phi công trưởng lên tiếng báo động “Coi chừng phòng không” rồi tiếng súng cao xạ của Ai Cập nổ khắp nơi. Trên cao độ 4000 bộ, phi trường Gardeka có thêm đường phi đạo phụ chạy song song, có thêm đài kiểm soát không lưu và nhà cho phi cơ đậu (hangar). Lần này các phi công Do Thái gặp sức kháng cự mạnh, quân Ai Cập đã cùng đường, chờ đợi bốn tiếng đồng hồ cho trận tấn công.
        Các phi công Do Thái không màng đến đạn phòng không, nhắm phi đạo, xả hết tốc lực lao xuống thả bom phá phi đạo. Tiếp theo, Ronen ra lệnh xuống thêm lần nữa xử dụng đại bác thanh toán những mục tiêu còn lại. Trong khi chúi mũi chiếc Mirage xuống, chàng trông thấy hai chiếc MIG đậu trong nhà chứa (hangar), một chiếc có lưới ngụy trang che phủ. Ronen nhắm vào khoảng trống giữa hai chiếc MIG bóp cò khẩu đại bác 30 ly. Hai chiếc phản lực cơ MIG đổ nghiêng, bốc cháy.
        Ronen kéo cần lái chiếc phản lực bay vút lên cao rồi ra lệnh cho phi công lái chiếc Mirage thứ hai “Số Một ra khỏi mục tiêu. Số Hai, đánh xa hơn một chút, để ý số lượng xăng của bạn”. Cùng lúc, phi công số Ba và số Bốn báo cáo đã gần hết xăng. Lúc họp hành quân, lệnh cho Ronen cùng các phi công Mirage phải xuống bắn đại bác ba lần. Chàng suy luận, như thế đã quá đủ, hỏa lực phòng không của địch mạnh mẽ, không nên thí phi cơ Mirage, loại tối tân nhất Do Thái có được, vả lại đã gần hết xăng. Ronen ra lệnh gom phi tuần lại bay trở về căn cứ, để lại phi trường Gardeka hoang tàn với tám cột khói đen.
        Trước đó, Ronen ra lệnh cho phi công số Ba quay trở về trước vì sợ không đủ xăng. Còn lại ba chiếc Mirage đang trên đường về, bỗng dưng phi công số Bốn báo động “Số Một, tránh đi chỗ khác, bọn chúng nó sau lưng bạn”. Ronen quay lại phiá sau, một chiếc MIG-19 còn cách khoảng 300 thước đang bắn đại bác vào máy bay của chàng. Ronen vội vàng bẻ góc về hướng tây 90 độ tránh đạn. Bốn chiếc MIG-19 sẵn sàng nghênh chiến bảo vệ không phận đối đầu với ba chiếc Mirage cách xa căn cứ 600 cấy số, đã gần cạn nhiên liệu. Ronen ra lệnh cho hai chiếc Mirage còn lại bỏ bình xăng phụ, xả hết tốc lực bay về căn cứ. Chiếc MIG bay vụt qua, Ronen vòng lại bay theo sau, chàng nhìn rõ chiếc MIG-19 to lớn hơn chiếc Mirage, với đôi cánh dài và cả viên phi công Ai Cập. Chàng nghiến răng siết cò súng, trúng ngay chiếc MIG, nổ tung trên bầu trời. Ronen lại bẻ góc bay để tránh mảnh vụn của chiếc phi cơ địch, chàng lên tiếng hỏi hai người bạn.
-           Món quà của tôi đã rớt. Số Hai, số Bốn cho biết tình thế?
-           Số Hai đang theo đuôi một trong đám tụi nó, hướng tây bắc phi trường (Gardeka).
-           Số Bốn đang thử lửa đưới cao độ thấp nơi hướng tây phi trường.

        Sau khi bắn rơi một chiếc MIG-19, Ronen trông thấy ba chấm đen, chàng nhận ra ngay, số Hai đang theo đuôi một chiếc MIG, và bị một chiếc khác bám theo. Chàng gọi số Hai.
-           Số Hai vẫy cánh  cho tôi biết vị trí của bạn.
-           Số Hai làm ngay.
-           Tốt! Ráng dứt điểm thằng phiá trước sớm, tôi sẽ “lo” cho thằng đang bám theo bạn.

        Ronen coi lại số lượng đạn đại bác, khẩu bên phải đã hết, khẩu bên trái chỉ còn khoảng 20 viên, xăng cũng gần hết. Chàng nhắn nhủ lần chót.
-           Coi chừng hết xăng, ráng làm cú đẹp rồi “về nhà”.  Vài giây đồng hồ trôi qua.
-           Số Hai đã làm xong nhiệm vụ. Bây giờ phải bay về nhà gấp.
-           OK Tốt! Hẹn gặp số Hai ở nhà.

        Với cương vị phi đội trưởng, Ronen vẫn còn phải ở lại trên vùng.
-           Số Bốn! Chuyện đến đâu rồi?
-           Tôi vẫn đang theo đuôi nó, ở cuối phi đạo

        Ronen nhìn xuống, ngạc nhiên chiếc MIG-19 đang bay chậm lại để đáp xuống phi trường. Anh chàng này, làm việc không đến nơi đến trốn, tưởng các phi cơ Mirage đã dọt hết nên tà tà đáp xuống. Khi bánh chiếc MIG vừa chạm đất, cả hai chiếc Mirage bắn đại bác nổ tung chiếc máy bay ngay trên phi đạo. Ronen cùng phi công số Bốn trên đường về được biết “phe ta” đang chuẩn bị đi tấn công phi trường Amman. Không lực Do Thái đã đánh gục kẻ thù số một Ai Cập, bây giờ làm tiếp kẻ thù số hai Jordan.

Ngày 5 tháng Sáu 1967, lúc 12 giờ trưa. Phi công Oded Sagee
        Chàng phi công Oded Sagee ngồi trong buồng lái chiếc Mirage, nghe ngóng đợi lệnh từ đài kiểm soát không lưu tiền phương để ngăn chặn các chiến đấu cơ MIG của địch. Mọi người ai cũng được thông báo tin tức chiến thắng, kết qủa trận không tập đợt hai. Theo báo cáo của các sĩ quan phi đoàn trưởng, lần không tập thứ hai phá hủy thêm 110 phi cơ của địch,  nâng tổng số lên gần 300 chiếc. Ba phần tư sức mạnh của không quân Ai Cập đã bị tiêu diệt trong vòng ba tiếng đồng hồ.
        Jordan đã nhẩy vào vòng chiến. Vua Hussein sung sướng, vui mừng qua tin tức chiến thắng truyền đi trên đài phát thanh Cairo. Đây là đặc tính chung của khối Ả Rập “Nói ra toàn những chuyện Trên Trời”. Trong trận chiến tranh Iraq năm 2003, quân đội Hoa Kỳ đã tiến gần đến thủ đô Baghdad mà vị Tổng Trưởng Thông Tin Iraq vẫn bằng giọng nói “văng nước miếng, xùi bọt mép” trả lời phóng viên truyền hình, báo chí rằng “Kẻ thù đang thua trên khắp các mặt trận và sẽ bị quét sạch ra khỏi Iraq”. Ba mươi phút sau, phi cơ Jordan oanh kích thành phố ven biển Netanya của Do Thái, bắn hỏa tiễn vào xưởng bào chế thuốc men, khu dân cư làm nhiều thường dân bị thương. Các phi cơ Jordan đã chuẩn cho trận oanh kích, bay dưới cao độ thấp tránh radar. Trên đường về, họ thả bom trên khu vực kỹ nghệ làm chết và bị thương thêm một số thướng dân, công nhân đang làm việc. Một nhà kho gần thủ đô Tel Aviv cũng bị tiêu hủy. Khu vực bị không quân Jordan oanh kích, người Do Thái gọi là khu Sharon. Phi đạo trong căn cứ không quân Ramat David cũng bị Jordan dùng đại bác tầm xa “Long Tom” đặt trong Jenin vùng West Bank pháo kích làm hư hại nhẹ.
        Tướng Moti Hod, tư lệnh không lực Do Thái ra lệnh trả đũa ngay tức khắc. Trung tâm hành quân không quân điều động một phi đoàn đang trên đường đi chinh phạt Ai Cập, đổi hướng qua Jordan oanh kích phi trường ở Ammam và Mafraq.
-           Scramble! (Lẫn lộn)

        Đài kiểm soát không lưu báo động cho phi công chiến đấu Oded và cho chàng biết Jordan xử dụng phi cơ Hunter đang oanh kích phi trường Sirkin, một phi cơ vận tải Nord bị cháy và mấy binh sĩ bị thương. Oded cùng với một phi công Mirage khác bay về hướng phi trường Sirkin. Từ xa các phi công Do Thái đã trông thấy chiếc vận tải cơ Nord đang bốc cháy và họ đã trông thấy hai chiếc phi cơ Hunter của địch do đài kiểm soát không lưu thông báo.
        Oded đã từng đụng loại phi cơ Hunter của địch. Chuyện xẩy ra trong tháng Mười Một năm 1964, mấy chiếc Hunter vượt không phận bay dọc theo biển Chết (Dead sea), các phi công Jordan chỉ chụp hình rồi bay thoát về biên giới. Lần này, Oded nhất định không để cho mấy chiếc Hunter chạy thoát, chàng xả hết tốc độ từ hướng tây bay đến hướng phi cơ địch. Hai chiếc Hunter bỏ chạy có lẽ được đài kiểm soát không lưu Jordan báo động. Bạn của Oded đuổi theo một chiếc, cả hai biến mất trong giây lát. Oded bay tới chiếc Hunter còn lại phóng hỏa tiễn tầm nhiệt Shafrir (Do Thái chế tạo). Hỏa tiễn mới chế tạo này chưa được hoàn hảo, bay trật mục tiêu, Oded chỉ còn tin tưởng nơi hai khẩu đại bác 30 ly.
        Cả hai bay ngang qua sông Jordan về hướng Ammam. Oded nhất định “đánh cho tới bến, tới bờ”, nhờ tốc độ chiếc Mirage nhanh hơn, chàng bắt kịp chiếc Hunter. Khi còn cách khoảng 200 thước, Oded siết cò khẩu đại bác 30 ly, cánh chiếc Hunter gẫy lià ra khỏi thân máy bay. Chiếc phi cơ Jordan quay vòng trên không.
-           Nó nhẩy dù ra! Nó nhẩy dù ra!  Viên phi công Mirage thứ hai báo cho Oded biết.

        Cả hai phi công Do Thái trở về căn cứ sau chiến công trên không phận Jordan.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 13 giờ 15 chiều. Phi công Zvi Umshweif
        Phi trường Dumeir là một trong năm căn cứ không quân của Syria. Phi trường này nằm xen kẽ giữa những ngọn đồi và sa mạc, gần một ngôi làng trên con đường nối liền hai thành phố Damacus và Baghdad, cách thủ đô khoảng 40 cây số về hướng đông.
        Quân đội Syria tham chiến trước buổi trưa, phản lực cơ MIG đầu tiên cất cánh vào lúc 14 giờ 10 phút chứng tỏ sự tham chiến của họ trong khối liên minh Ả Rập chứ không tấn công tận lực. Các phi tuần Syria thiếu phối hợp, bay từng đội hai hoặc ba chiếc qua không phận Do Thái thả bom không hiệu quả. Phi công Syria không nhận được lệnh rõ ràng cho mục tiêu cũng như không biết tình hình bên Ai Cập là nước mạnh nhất, lãnh đạo khối Ả Rập. Rồi bỗng dưng, phản lực cơ Mirage của Do Thái xuất hiện trên bầu trời, càng lúc càng nhiều, sau khi đã “quất xụm” không lực Ai Cập sớm hơn dự trù.
        Theo các bản báo cáo về các trận oanh kích của không lực Syria, họ oanh tạc lầm một phi trường ngụy tạo với những máy bay giả, một máy bay bị súng phòng không Do Thái bắn rơi. Hai chiếc khác định thả bom phá hủy nhà máy bơm nước chính của Do Thái không trúng mục tiêu, bom rơi xuống hồ Galilee.
        Các phi đoàn Do Thái đồng loạt tấn công bốn phi trường tiền phương của Syria ở Damascus, Marj Reiyal, Dumeir, và Sayqal. Những phi trường nằm xung quanh thủ đô, chứa những phi cơ hạng nhất khoảng 90 chiếc. Syria gần như không có oanh tạc cơ, cả không lực gom lại kể cả trực thăng được 110 chiếc.
        Những chiếc phản lực cơ MIG đậu thành hàng như để thanh tra, điều này chứng tỏ Damascus tin tưởng vào những chiến thắng (tai hại) do đài phát thanh Cairo loan đi. Mặc dầu Syria tin là sẽ có không chiến, nhưng họ vẫn không dè và chưa xửa xoạn cho những chuyến “thăm viếng” của không lực Do Thái. Đã hơn năm tiếng đồng hồ sau khi không lực Ai Cập bị tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến, Syria vẫn chưa phân tán máy bay hoặc ngụy trang cho phi cơ. Với tinh thần chiến đấu cao độ, khả năng giỏi của các phi công Do Thái, những chiếc MIG của Syria biến lành những ngọn lửa nhanh chóng.

Ngày 5 tháng Sáu lúc 13 giờ 30. Phi công Yalo Shavit
        Yalo Shavit lãnh đạo một phi đoàn thứ hai Super Mystère tấn công phi trường Sayqal cách Damascus khoảng 100 cây số nằm bên cạnh cánh đồng lầy nhìn ra sa mạc. Lần oanh kích thứ hai này các phi công Do Thái không còn phải lo vấn đề định hướng, những cột khói đen do trận tấn công trước có thể trông thấy từ xa. Trong đợt oanh kích đầu, vị sĩ quan phi đoàn trưởng báo cáo phi trường Sayqal được MIG-21 loại tối tân nhất thời đó bảo vệ.
        Yalo dặn dò các phi công trong phi đoàn cẩn thận, về kỹ thuật lẫn trang bị, loại MIG-21 trên chân các phi cơ chiến đấu Super Mystère do Pháp chế tạo. Các phi cơ Do Thái lên cao 6000 bộ để giữ thế thượng phong trường hợp MIG-21 của địch lên ngăn chặn. Phi công số Ba báo cáo bình xăng phụ bên phải bị dò (leak). Yalo ra lệnh xuống thả bom sau đó bay lên cao đợi, sợ rằng chiếc này không đủ xăng để không chiến.
        Đến không phận Sayqal, Yalo quan sát mục tiêu không thấy có chiếc MIG nào. Phi trường Syria dường như nằm chờ ăn bom. Chàng dẫn đầu và ra lệnh tấn công, các phi cơ Do Thái lao xuống mục tiêu thả bom. Sau khi thả bom, Yalo bẻ hướng bay qua hướng trái, chàng ngạc nhiên khi thấy đội hình tấn công lớn hơn. Yalo là phi công số Một, số Hai, Ba và Bốn theo sau. Ủa! Sao lại có số Năm và số Sáu? Yalo lập tức ra lệnh cho số Ba bỏ đội hình bay về phiá bên phải và tránh xa bãi chiến trường. Còn lại ba chiếc Super Mystère chống lại hai chiếc MIG đang đuổi theo đuôi.
        Yalo ra lệnh cho phi công số Bốn làm mồi nhử cho một chiếc MIG đuổi theo, rồi số Hai sẽ theo đuôi chiếc MIG như bánh sandwich. Riêng chàng sẽ “lo” cho chiếc MIG còn lại. Đó là chiến thuật Yalo phác họa ra nhưng phi công địch dường như biết được trận đồ, đổi hướng 90 độ bay lên cao. Yalo biết, nếu đuổi theo sẽ thua vì loại MIG-21 có động cơ mạnh hơn và các phi cơ Do Thái không đủ xăng nếu trận không chiến kéo dài. Yalo chúi mũi phi cơ xuống, viên phi công MIG cũng xuống theo để cho Yalo đuổi theo. Chiếc MIG dẫn chiếc Super Mystère bay thấp khoảng 1000 bộ để những khẩu phòng không và súng trường bắn từ những căn nhà cao thanh toán. Chiếc MIG bay nhanh hơn làm khoảng cách gia tăng, Yalo thấy vậy đổi hướng bay làm viên phi công MIG-21 vội đổi hướng bay theo. Với tốc độ bay của chiếc MIG-21, đổi hướng bất ngờ như vậy người phi công khó điều khiển chiếc máy bay. Chiếc MIG lần này xuất hiện trước mặt Yalo rất gần, chàng siết cò khẩu đại bác 30 ly. Chiếc MIG-21 trúng đạn đâm xuống khoảng đất trống giữa những căn nhà cao ốc. Phi công số Ba mục kích từ trên cao gọi máy cho Yalo.
-           Số Một làm cú đẹp lắm!
-           Cám ơn bạn. Thế còn số Hai và số Bốn đến đâu rồi?
-           Tôi trông thấy nó... Nó biến đâu mất! ... Nó đang ở trước mặt tôi.
-           Làm thịt nó! Bóp cò nhanh lên!  Yalo la lên trong máy vô tuyến.
-           Wowwww. Tôi bắn nó gẫy cánh.  Số Hai báo cáo
-           Thôi mình về.

Ngày 5 tháng Sáu 1967. Phi công Oded Sagee
        Oded không có thì giờ suy nghĩ hay nghỉ ngơi sau khi bắn rơi chiếc Hunter của Jordan. Bây giờ đến lượt Syria, chàng đang trên đường bay đi oanh kích phi trường T-4 của Syria gần Tadmor. Cũng như những phi công Do Thái khác, những đe doạ từ khối Ả Rập đã biến mất nên bớt căng thẳng, chỉ còn phần mệt mỏi về thể xác sau những chuyến bay liên tục.
        Đang cùng với phi đoàn bay trên vùng biển Galilee, Oded nhận được lệnh mới từ đài kiểm soát không lưu đã được ngụy thoại “Lệnh tấn công thay đổi. Các bạn đổi hướng bay về mục tiêu T-4 chứ không phải Damir”. Oded mở tấm bản đồ ra nhưng không xác định được phi trường T-4 của Syria, có lẽ nó nằm ngoài tấm bản đồ.
        “Các bạn phải hướng dẫn tôi đến mục tiêu, không thấy trên bản đồ”. Oded trả lời viên sĩ quan trong đài kiểm soát không lưu. Viên sĩ quan trực như đã biết trước, không ngạc nhiên về câu hỏi bất ngờ của Oded bắt đầu hướng dẫn phi đoàn của chàng đến mục tiêu. Những cột khói đen bốc lên cao từ các phi trường Damascus, Damir phiá bên trái, Sayqal bên phải hướng dẫn phi đoàn Oded dễ dàng. Phi trường T-4 nằm nơi hướng bắc trong vùng sa mạc giữa hai thành phố Homs và Tadmor (Palmyra), thủ đô của vương quốc Armenian xa xưa. Tên mới T-4 đến từ một trạm bơm nước nằm bên cạnh ống dẫn dầu từ Kirkuk đến Tripoli. Phi trường này cũng đang bị cháy do phi đoàn dưới quyền Eitan Carmi oanh kích trước đó vài phút. Oded chuẩn bị lao xuống thả bom bỗng nhận ra một phản lực cơ MIG-21 bay ngang. Chiếc Mirage của chàng đem theo bom đạn đầy đu,û nặng nề không thích hợp cho trận không chiến nhưng Oded quyết định cho thêm chiếc MIG-21 vào bảng phong thần cùng với chiếc Hunter trước đây. Oded đuổi theo, chuẩn bị khẩu đại bác 30 ly. Khi còn cách chiếc MIG khoảng 300 thước, bỗng dưng một chiếc Mirage khác xuất hiện ngay trước mũi phi cơ của chàng. Trời ơi! Chuyện gì đây?
        Viên phi công lái chiếc Mirage cắt ngang chính là Menachem Shmul, số Hai trong phi đoàn. Menachem cũng đã phát hiện ra chiếc MIG-21 và đuổi theo. Oded bay tránh ra nhường cho viên phi công trẻ đàn em. Bỗng Oded nghe tiếng Menachem la lên rằng động cơ chiếc Mirage bị trở ngại. Loại phản lực Mirage do Pháp chế tạo thường gặp trường hợp không đủ không khí cho động cơ phản lực khi bay với góc độ lớn để tấn công. Trong khi đó viên phi công Syria khai hỏa một hỏa tiễn vào Oded nhưng không trúng. Rồi thêm một chiếc Mirage khác từ đâu bay vào vòng chiến cứu Oded.
        Phi đoàn phản lực Mirage do Carmi lãnh đạo gồm có: Giora Rom, Asher Snir, và Eliezer “Leizik” Prigat. Cả ba phi công trẻ sau này đều tiến nhanh trong không lực Do Thái. Oded nghĩ rằng phi đoàn Carmi sau khi oanh kích phi trường T-4 đã ra khỏi không phận, đâu ngờ viên phi công vừa đến cứu nguy đó là Asher Snir. Anh chàng này trên đường rút trông thấy chiếc MIG nên đuổi theo. Snir bắn chiếc MIG-21 nổ tung và viên phi công Syria nhẩy dù ra. Lúc đó cả phi đoàn Carmi cùng bay trở lại tham chiến. Giora trông thấy một chiếc MIG thứ hai đang đuổi theo Leizik, chàng báo động cho Leizik rồi bám theo đuôi khai hỏa đại bác 30 ly, chiếc MIG-21 quay vòng rồi rơi xuống đất bốc cháy. Hai phi đoàn Mirage chào nhau, Carmi dẫn phi đoàn của mình bay đi. Oded gom phi đoàn lại “làm tiếp” phi trường T-4.

Ngày 5 tháng Sáu 1967. Phi công Zvi Umshweif
        Người sĩ quan hành quân trao trách nhiệm cho Zvi Umshweif “Chúng tôi dành riêng Damascus cho anh, đó cũng là phi vụ cuối cùng trong ngày. Phải đi ngay nếu không trời tối, lấy thêm tin tức, bản đồ từ sĩ quan ban hai. Thời gian rất quan trọng, anh vẫn còn thấy rõ mục tiêu Damascus trước khi mặt trời lặn”.
        Damascus là thủ đô của Syria nên củng là mục tiêu khó khăn nhất, được nhiều dàn cao xạ cùng với hỏa tiễn điạ không bảo vệ. Trong những phi vụ trước đó, bốn phi cơ Do Thái trúng đạn phòng không trên bầu trời Damascus và vùng phụ cận. Phi trường Damascus vẫn còn nhiều máy bay vận tải, trực thăng và phản lực cơ MIG-21 sẽ là những mục tiêu dễ dàng cho các phi công Do Thái.
        Sau khi thả bom phá phi đạo, Zvi cùng các bạn tiếp tục oanh kích bằng đại bác 30 ly. Chàng bay xuống nhắm vào bình xăng máy bay gắn dưới cánh, siết cò súng. Mấy Chiếc máy bay trúng đạn nổ tung, lửa cháy bùng lên trông rất ngoạn mục. Những đám cháy sáng rực khu vực xung quanh Damascus thay cho công điện gửi cho vị tư lệnh quân lực Syria và Hafez El Assad tư lệnh không lực Syria. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Zvi gom các phi công trong phi đoàn lại, bay theo đường vòng cung để tránh đạn cao xạ rồi trở về căn cứ xuất phát.

Ngày 5 tháng Sáu 1967 lúc 20 giờ 30 tối. Phi công Daniel Ilan
        Sau một tiếng đồng hồ bay trên một chiếc Vautour (hai chỗ ngồi) đơn độc, đem theo bom nặng 500 kilo. Uri Talmor và Daniel Ilan tìm cách bay đến vị trí đặt súng đại bác tầm xa Long Tom Jordan xử dụng pháo kích vào thủ đô Tel Aviv. Loại đại bác này tầm bắn xa 25 cây số, có thể đến khu vực lân cận và vào trong thành phố. Trong trận chiến Độc Lập, chỉ có phi cơ vận tải Dakota của Ai Cập xâm phạm không phận thủ đô Tel Aviv để thả bom rồi bị phi công Modi Alon lái Messerschmitt bắn rơi. Lần này là Kalkilia (tên gọi các khẩu đại bác) của quân đội Jordan. Nhiệm vụ cho chiếc Vautour này là khóa miệng khẩu đại bác.
        Trong màn đêm, hai chàng phi công Do Thái định hướng theo tiếng nổ, lửa phát ra từ đầu súng. Để cho chính xác, Uri và Daniel bay lên xuống nhiều lần. Đến lần thứ năm, đúng lúc khẩu súng khai hỏa, từ trên cao độ 8000 bộ, Daniel kéo cần thả qủa bom. Khi chiếc Vautour bay vút lên, một tiếng nổ lớn bùng lên cùng với cột khói đen tỏa ra như hình cây nấm khổng lồ. Có lẽ quả bom rơi trúng chỗ chứa đạn đại bác hoặc thuốc nổ. Uri cùng với Daniel tiếp tục bao vùng thêm khoảng mười phút nữa để thẩm định sự thiệt hại của địch, sau đó hướng về căn cứ.

Ngày 5 tháng Sáu 1967 lúc 20 giờ tối. Phi công Yalo Shavit
        Buổi tối hôm đó, Yalo Shavit phi đoàn trưởng phi đoàn “Bò Cạp – Scorpion” đứng trên bục thuyết trình phòng họp, báo cáo đầy đủ chi tiết các phi vụ bay trong ngày. Các sĩ quan phi đoàn trưởng lần lượt lên báo cáo kết qủa và những kinh nghiệm học hỏi thâu thập được qua các trận oanh kích, không chiến, ưu khuyết điểm từng loại phi cơ của ta và địch. Tất cả những báo cáo đều hữu ích, có thể làm giảm thiểu số tổn thất về nhân mạng cũng như phi cơ của Do Thái. Đặc biệt loại chiến đấu cơ Super Mystère có phần bụng làm bằng kim loại nhẹ, có thể đem nhiều bom, xăng để tấn công những mục tiêu ở xa. Tuy nhiên đó cũng là nhược khi trúng đạn đại bác phòng không, hệ thống xăng dầu cũng bị hư hại làm cho phi công không điều khiển được máy bay. Ba phi công Super Mystère tử trận bên Ai Cập, một ở Syria. Tổng kết trong ngày sáu chiếc bị rớt trong số 21 chiếc Super Mystère của phi đoàn. Trong số 19 phi công, 5 đã tử trận hoặc bị bắt sống. Nhìn những chiếc ghế bỏ trống trong phòng họp, các phi công trong phi đoàn đau lòng, thương nhớ những chiến hữu kém may mắn. 
        Đúng chín giờ tối, phiên họp tạm ngưng để nghe đài phát thanh trực tiếp buổi họp báo về trận chiến. Tổng tham mưu trưởng quân lực Yitzhak Rabin và tư lệnh không quân Moti Hod tuyên bố vắn tắt “Ngày hôm nay, không lực Do Thái đã tiêu hủy 400 chiến đấu cơ đủ loại của Ai Cập, Jordan và Syria. Các căn cứ không quân của địch, kể cả các căn cứ tiền phương của Iraq cũng đã bị tiêu diệt”.

Ngày 5 tháng Sáu 1967 lúc 14 giờ chiều. Phi đoàn Inverted Sword
        Đến buổi trưa, mọi chuyện đã rõ ràng. Hành quân Moked đã thành công rực rỡ, nhanh chóng bằng nửa thời gian dự trù. Trên bộ, những tiểu đoàn thiết giáp cũng tiến nhanh trong sa mạc làm cho lữ đoàn Dù nằm trừ bị trong căn cứ không quân Tel Nof trở nên không cần thiết. Một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn này đã được điều động đến chiến trường Jerusalem, một chuyện ngạc nhiên xẩy ra.
        Không ai tin rằng, Vua Hussein sẽ bị kéo vào trận chiến. Trong những giây phút đầu tiên khi các phi cơ Do Thái cất cánh, thủ tướng Eshkol gửi một công điện đến quan sát viên Liên Hiệp Quốc cho biết trận chiến tranh chống lại Ai Cập mà thôi. Nếu Vua Hussein ngồi yên, không ai động chạm đến ông ta. Không thèm để ý đến công điện của thủ tướng Do Thái, quân đội Jordan nổ súng dọc theo đường biên giới, đe doạ thành phố cổ Jerusalem và căn cứ không quân của Do Thái nằm trong tầm đạn pháo binh của địch.
        Chủ lực quân của Do Thái đều dồn về phiá nam đương đầu với quân đội Ai Cập. Do Thái chỉ để lại một tiểu đoàn quân chính quy nơi phiá bắc, nhiệm vụ phòng vệ trao cho điạ phương quân và các đơn vị trừ bị khi động viên.
        Không lực Do Thái xử dụng loại phi cơ huấn luyện Fouga Magister bay lùng những ổ trọng pháo, những mục tiêu quân sự của địch xung quanh Jerusalem. Trong khi đó, phi đoàn  trực thăng “Thanh Kiếm Ngược – Inverted Sword” vẫn nằm chờ ở Ashkelon. Từng chiếc trực thăng trong phi đoàn này được gọi đi cấp cứu những phi công lâm nạn, nhẩy dù ra hoặc di tản thương binh trong trận tấn công vào Rafah.
        Đến 13 giờ 30 trưa, phần lớn không quân Ai Cập đã bị tiêu diệt. Không lực Do Thái đã chuyển mũi tấn công qua Jordan và Syria. Phi đoàn Thanh Kiếm Ngược đang chuẩn bị dọn dẹp quay trở về căn cứ không quân Tel Nof, bỗng được lệnh di chuyển đến Nitzana. Một tiểu đoàn dưới quyền Ariel Sharon đang gặp sức kháng cự mạnh của địch và bộ tư lệnh trung ương cho phép ông ta xử dụng trực thăng để hành quân.
        Đúng 14 giờ, vị phi đoàn trưởng xử dụng trực thăng vào trình diện Sharon (một danh tướng, huyền thoại trong quân lực Do Thái, sau lên làm Thủ Tướng, hiện lâm trọng bệnh vì Stroke). Sau đó các phi công trực thăng trong phi đội cấp cứu, tản thương được lệnh bay lên ứng chiến, còn nhân viên hành chánh, kỹ thuật sẽ lên sau bằng đường bộ. Đoạn đường từ Ashkelon đến Nitzana dài 130 cây số kẹt cứng vì đoàn quân xa đủ loại, chở quân, vũ khí, đồ tiếp liệu ra chiến trường. Còn lại những phi công trực thăng trong phi đoàn đang bay hành quân sẽ nhận lệnh, tiếp vận qua đài điểm soát không lưu.
        Một tiểu đoàn dưới quyền Sharon đang tấn công tuyến phòng thủ kiên cố của Ai Cập dọc theo con đường chính yếu giữa Nitzana và Ismailia. Phòng tuyến này được hai tiểu đoàn Ai Cập trấn giữ có chiến hào, pháo đài xây bằng cement cốt sắt. Chỗ gay go nhất trên phòng tuyến nằm ở Umm Katef giao tiếp với con đường nối liền Abu và Aweigila. Khu vực này do người Nga cố vấn, có những đụn cát cao nơi hướng bắc làm chướng ngại vật thiên nhiên. Giao thông hào cùng với pháo đài xây dọc theo vách núi, xung quanh là bãi mìn, thêm vào là những ổ đại liên, đại bác chống chiến xa. Theo các chuyên viên cố vấn Nga Sô, xe tăng của địch (Do Thái) không thể nào chọc thủng được.
        Tướng Sharon đã có những kế hoạch mềm dẻo cho trận tấn công. Buổi sáng cho quân dứt điểm những tiền đồn của địch nằm bên ngoài, đến tối sẽ dành nỗ lực chính tấn công trực diện vào phòng tuyến. Mối đe dọa ghê gớm nhất là đại bác tầm xa 122 ly do Nga Sô chế tạo vẫn liên tục pháo kích lên đầu binh sĩ Do Thái. Vài ngày trước đó, vị phi đoàn trưởng phi đoàn “Thanh Kiếm Ngược” đã được tham khảo ý kiến đưa một đơn vị Dù vào sau lưng địch lúc trời tối để thanh toán các khẩu đại bác. Điều này, ông ta không tin là sẽ tạo một ưu thế chiến thuật cho đơn vị tấn công. Các sĩ quan cao cấp trong quân lực Do Thái lúc đó cũng không tin tưởng vào chiến thuật trực thăng vận cho lắm, sợ rằng sẽ phải chịu tổn thất cao về số trực thăng, phi công và binh sĩ bộ binh. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Do Thái xử dụng trực thăng trong chiến tranh. Tướng Sharon tin rằng, màn đêm sẽ làm bớt số tổn thất cho cuộc hành quân trực thăng vận. Một điều nữa, quân tiền phương Do Thái có thể xử dụng hỏa lực tối đa, cầm chân địch quân nơi phòng tuyến chính, tiếng đại bác, tiếng nổ lớn có thể làm át đi tiếng trực thăng. Đêm đó, các sĩ quan không quân, nhẩy dù được cung cấp tin tức tình báo về nơi đặt súng đại bác của địch để họ có thể phác họa phi trình cho chuyến đột kích bằng trực thăng vận.
        Trong bộ chỉ huy của tướng Sharon, vị phi đoàn trưởng gặp Danny Matt, tiểu đoàn trưởng Dù sẽ đưa tiểu đoàn đi tấn công. Tướng Sharon bước vào với khuôn mặt ưu tư, những tiên đoán của ông về trận đánh buổi sáng đã đúng. Pháo binh Ai Cập sẽ bẻ gẫy mũi tấn công của ông ta nếu không ra tay thanh toán chúng trước. Sharon trọng dụng phi công trực thăng, đó là cách duy nhất đưa quân vào đằng sau phòng tuyến địch đánh bất ngờ từ trong ra. Ông ta nói với vị phi đoàn trưởng trực thăng “Các bạn  không phải đưa chúng tôi vào ngay các họng súng của địch”. Trên tấm bản đồ hành quân, tướng Sharon vẽ một vòng tròn đánh dấu bãi đáp nằm sau phòng tuyến Ai Cập, rồi ra lệnh cho vị tiểu đoàn trưởng Dù “Danny sẽ phải phá hủy các khẩu đại bác đặt trong khu vực”. Khi phá xong các khẩu đại bác, lữ đoàn thiết giáp cùng với các đơn vị bộ binh phải tiến nhanh, đánh chiếm rặng núi Umm Katef bắt tay với đơn vị Dù buổi sáng ngày mai.
        Bãi đáp trực thăng thiết lập nhanh chóng bên cạnh bộ chỉ huy của tướng Sharon hoàn toàn chìm trong bóng tối. Hàng trăm binh sĩ Dù trang bị đầy đủ chia ra thành tiểu đội mười người chờ cho trực thăng đến đưa họ vào vùng hành quân. Các xe chở xăng tiếp tế cho trực thăng cũng đã tới, tuy nhiên phi đoàn gặp thêm một trở ngại rất lớn. Trong số 29 trực thăng hành quân, chỉ có 7 chiếc dành cho trận đột kích, các chiếc khác bận phi vụ tản thương, tiếp tế. Như vậy phải đổ quân làm nhiều lần.
        Đúng 7 giờ tối, dưới tiếng súng đại bác nổ như sấm chớp, thiên lôi, các trực thăng bay theo phi trình đã vạch sẵn đưa quân nhẩy dù vào sau phòng tuyến Ai Cập. Đến 9 giờ tối, cuộc đổ quân hoàn tất, các phi công trực thăng đã hoàn thành nhiệm vụ. Bỗng có tiếng báo động trên hệ thống vô tuyến (máy truyền tin).
-           Coi chừng! Tụi nó pháo kích bãi đáp.
-           Clementina, bay đi chỗ khác.  (Viên phi đội trưởng ra lệnh cho phi công)

        Trong khi pháo binh Ai Cập pháo kích vào bãi đáp trực thăng, pháo binh Do Thái bắn trả đũa, đơn vị Dù Do Thái đang trên đường đến mục tiêu. Nhân viên truyền tin Ai Cập nghe tiếng động cơ trực thăng hòa lẫn với tiếng đạn pháo binh, không xác định rõ âm thanh nên không báo động. Trong khi tướng Sharon lo lắng cho đơn vị Dù và được báo cáo cuộc đổ quân đã hoàn tất. Đơn vị Dù đang ở gần con đường nối liền Abu, Aweigila nơi Ai Cập đặt những ổ trọng pháo. Các đơn vị Dù cũng báo cáo về đã định hướng rõ vị trí súng của địch đang tác xạ liên tục.
        Binh sĩ Dù được lệnh tấn công khi còn cách mục tiêu 50 thước để địch không kịp trở tay. Mỗi tiểu đội tấn công một vị trí đặt súng bằng tiểu liên Uzi và lựu đạn. Bị bất ngờ, lính Ai Cập nhẩy ra khỏi chiến hào bỏ chạy. Trận đột kích chớp nhoáng, quân Do Thái làm chủ chiến trường, chỉ có vài binh sĩ bị thương. Vẫn còn quá nhiều thì giờ, họ phá hủy thêm các pháo đài. Bỗng lúc đó có đoàn quân xa Ai Cập chở đạn pháo binh, đồ tiếp liệu đến cho đơn vị pháo binh. Tất cả bẩy xe vận tải, họ không ngờ căn cứ pháo binh đã bị quân Do Thái chiếm ... đi thẳng vào căn cứ và bị tấn công, đốt cháy.
        Đơn vị Dù sau khi làm xong nhiệm vụ, tập họp lại, đem theo thương binh di chuyển đến một vị trí khác để được an toàn. Trên đường di chuyển, họ gặp thêm một đoàn quân xa chở đạn khác. Số phận dành cho đoàn xe này còn thảm hơn đoàn xe trước. Lần này đoàn xe Ai Cập còn kéo thêm đại bác, bị cả đơn vị Dù tấn công, xác xe cộ, đại bác bị đốt cháy thành hàng dài trong sa mạc.
        Binh sĩ Dù tiếp tục di chuyển. Trong đêm, họ báo cáo xin trực thăng tản thương nhưng không hiểu sao, lời kêu gọi của họ không được đáp ứng. Trước rạng đông đơn vị Dù bắt tay được với đơn vị bộ binh đã đánh xuyên qua phòng tuyến Umm Katef. Đích thân vị phi đoàn trưởng lái trực thăng đi tìm đơn vị Dù. Sau một đêm chiến đấu, di chuyển không ngừng đem theo thương binh, các binh sĩ Dù gần như đã kiệt sức. Đúng 7 giờ sáng ngày thứ hai trong trận chiến, trực thăng đến tản thương tám binh sĩ Dù bị thương nặng. Trận đột kích thành công.

Ngày 6 tháng Sáu. Phi công Hanan Eitan và Oded Rappaport
        Trên đường bay về căn cứ, Rafi Lev nhẩy dù ra khỏi chiếc Ouragan trúng đạn. Trong ngày thứ hai, Do Thái đã hoàn toàn làm chủ bầu trời vùng Trung Đông. Không lực chuyển qua thế yểm trợ ba lữ đoàn bộ binh đang tiến công nhanh trên bán đảo Sinai. Phi đoàn Ouragan được lệnh oanh kích đoàn xe tiếp tế Ai Cập sâu trong sa mạc và yểm trợ quân bộ trên đường tiến quân. Sau khi oanh kích Kasaima, trên đường về, Rafi bị trúng đạn phòng không, bị thương, nhẩy dù xuống trốn trong những đụn cát trong sa mạc.
        Đến 12 giờ trưa, Đại Úy Hanan Eitan cùng với phi công phụ Oded Rappaport bay đi cứu Rafi. Bộ binh Do Thái tiến nhanh quá, phi đoàn trực thăng Thanh Kiếm Ngược vẫn chưa kịp di chuyển lên căn cứ tiền phương trong phi trường Yemen. Sau một đêm dài yểm trợ chiến trường Umm Katef, các trực thăng về lại Nitzana. Trong khi đó một phi cơ Dakota bay dọc theo biên giới liên lạc với chàng phi công lâm nạn Rafi. Họ xác định được chỗ trú ẩn của Rafi sau một đụn cát trong vùng địch.
        Oded cùng với Hanan truyền đi mật hiệu “Sarah” báo cho Rafi biết mình đang trên đường đi cứu. Nơi Rafi lẩn trốn quá gần những đơn vị bộ binh Ai Cập làm cho Hanan sợ rằng Rafi đã bị bắt, bị giết và địch gửi đi mật hiệu “Sarah” để dụ phi cơ đến bắn rớt. Trong khi đó trong đụn cát, Rafi gửi mật hiệu đi rồi tắt để tránh máy dò của địch. Đến buổi chiều, trực thăng vẫn chưa tìm ra Rafi, họ phải bay trở về căn cứ lấy thêm xăng.
        Khi chiếc trực thăng cấp cứu quay trở lại, trời đã tối. Họ bay vào thung lũng tìm Rafi, điều này tránh được phòng không của địch nhưng rất nguy hiểm đâm vào vách núi. Oded chợt la lên “Có gì động đậy ở dưới!”. Hanan vội lái phi cơ xuống thấp trong khi Rafi đã trông thấy chiếc trực thăng của phe ta, chạy ra khỏi chỗ ẩn náu, dùng đèn Pin đưa qua đưa lại đánh dấu, nhận diện. Hanan đáp chiếc trực thăng, Rafi chạy lại vui mừng, leo lên. “Tôi biết chắc chắn các bạn sẽ đến lúc trời tối. Tôi trông thấy mọi chuyện lúc buổi trưa, các bạn đến tìm tôi và tụi nó bắn lên tầu các bạn. Tôi vẫn tin tưởng các bạn sẽ đến”.
        Sau khi Rafi đã lên tầu, chiếc trực thăng bay về Do Thái, đến Be’er Sheva đưa Rafi vào bệnh viện Soroka. Rafi đã bị thương lúc nhẩy dù ra. Đó là tình chiến hữu, đồng đội trong quân đội Do Thái. Sau đó Hanan xin thuyên chuyển qua lái phản lực cơ chiến đấu. Sáu năm sau, trong trận chiến Yom Kippur (1973), cả Hannan lẫn Rafi đều tử trận.

Ngày 6 tháng Sáu 1967. Phi công Herzle Bodinger
        Quân đội Iraq tham chiến với các phi cơ Hunter cất cánh từ căn cứ không quân tiền phương doc theo biên giới Jordan ngày 5 tháng Sáu. Phi trường H-3 nằm bên cạnh ống dẫn dầu từ Kirkuk, Iraq đến từ Tripoli ở Lebanon và hải cảng Haifa của Do Thái.  Phi trường này được người Anh xây làm phi trường dân sự, người Iraq sửa chữa lại thành phi trường quân sự.
        Trong ngày khởi đầu trận chiến, không lực Do Thái bận rộn cho trận tấn công trên đất Ai Cập, Jordan và Syria nên tạm gác lại mục tiêu phi trường H-3. Herzle Bodinger cất cánh từ phi trường Ramat David, một trong bốn chiếc Vautour được hai phản lực Mirage hộ tống bay đi tấn công. Các phi công Do Thái không có bản đồ, tin tức tình báo về phi trường căn cứ không quân nhỏ này. Họ ước lượng khoảng cách, băng qua biên giới nơi bờ biển Galilee phiá nam, bay dọc theo ống dẫn dầu đến mục tiêu.
        Trong khi đợi các chuyên viên cơ khí kiểm soát lại máy bay lần chót, Herzle một phi cơ xuất hiện từ đằng xa nơi hướng đông. Một cơ khí viên nói “Phi cơ Boeing”, Herzle nghĩ thầm “Boeing làm gì ở Ramat David?”, rồi lên tiếng báo động “Máy bay TU-16 đến thả bom phi trường của mình”. Họ vội chạy vào chỗ trú ẩn, trong khi còi báo động và tiếng cao xạ phòng không đặt rải rác trong phi trường nổ vang rền. Chiếc Tupolev (TU-16) của Iraq đổi hướng, cho xạ thủ tác xạ xuống phi trường. Tiếp theo là hai chiếc Mirage bám theo đuôi chiếc TU-16 bắn đại bác và hỏa tiễn. Chiếc oanh tạc cơ của Iraq rớt xuống một trại lính gần Megiddo làm tử thương 12 binh sĩ Do Thái và nhiều quân nhân khác bị thương.
        Đó là lần thứ hai, phi trường Ramat David bị tấn công. Ngày hôm trước quân đội Jordan pháo kích vào phi trường, Do Thái phải gửi bộ binh cùng với chiến xa lên khu vực đồi Jenin trong vùng phiá Tây (West Bank) thanh toán những ổ trọng pháo của địch. Các phi cơ Vautour bay thấp dọc theo ống dẫn dầu đến Iraq, họ bay ngang qua một trại lính Iraq, trông thấy lính Iraq đang chuẩn bị ra trận ở dưới. Gần đến mục tiêu, các phi công Do Thái trông thấy có bụi cát bốc lên từ phi trường H-3. Hai phản lực MIG-21 vừa cất cánh, hai chiếc Mirage bay theo tấn công để cho bốn chiếc Vautour thả bom phi đạo và bắn phá phi trường của địch. Một chiếc Hunter của Iraq bị bắn cháy ngay trên phi đạo khi vừa đáp, chiếc thứ hai định xuống vội vàng bay ngược lên vòng lại sau đuôi chiếc Vautour do phi tuần trưởng lái. Các phi công khác báo nguy “Đổi hướng! Nó theo sau bạn”. Chiếc Vautour bẻ lái, tránh đi hướng khác, phi công số Ba bay theo chiếc Hunter. Sau khi tránh được chiếc Hunter, Herzle thấy mình vẫn còn đủ xăng định lao xuống làm thêm chuyến nữa. Bất chợt một chiếc Hunter thứ ba xuất hiện, rồi đổi hướng bay qua bên trái như được đài kiểm soát không lưu báo động. Herzle quyết định bay theo. Đại bác phòng không bắn lên, làm cho Herzle đổi ý, chàng lao xuống thanh toán ổ phòng không. Sau khi xong nhiệm vụ, viên sĩ quan phi tuần ra lệnh gom phi tuần lại trở về căn cứ. Herzle nhìn thấy chiếc MIG-21 bị phi công Mirage bắn hạ đang rớt xuống đất. Trên đường về, các phi công Do Thái “ghé” qua trại lính Iraq “xả” hết những qủa bom, đạn đại bác còn lại.

Ngày 6 tháng Sáu 1967. Phi công Yitzhak Glantz Golan
        Căn cứ không quân tiền phương H-3 của Iraq được dàn cao xạ mạnh mẽ cùng với các chiến đấu cơ Hunter, MIG-21 bảo vệ chắc chắn. Lần oanh kích thứ ba, phi tuần Vautour bốn chiếc được bốn chiếc Mirage bay theo bảo vệ. Hỏa lực phòng không quá mạnh làm các phi công Do Thái quên vấn đề xăng dầu, lo tránh đạn phòng không. Thêm vào là các phi cơ Hunter, MIG-21 lên nghênh chiến đông đảo làm khó lòng cho các phi công Mirage theo dõi, bảo vệ phi tuần Vautour thả bom.
        Shlomo Keren, phi đội trưởng báo động “Tôi bị trúng đạn” rồi bay về hướng nam (Do Thái) kéo theo một cuộn khói đằng đuôi phi cơ. Glantz lao xuống khai hỏa khẩu đại bác 30 ly, không để ý có một chiếc Hunter bám theo đuôi. Glantz bị trúng đạn, nhẩy dù ra trên cánh đồng gần phi trường và bị bắt sống. Glantz không sợ bị địch giết, chàng đã trải qua các trại tử thần Holocaust khi còn là một đứa bé. Một lần nữa Glantz tin tưởng là mình sẽ sống, chàng đã nhìn thấy sự chết... quá nhiều rồi nên không còn biết sợ.
        Trận oanh kích thứ ba phi trường H-3 này, Do Thái mất ba phi cơ và bốn phi công. Một chiếc đáp khẩn xuống ngay biên giới Iraq-Saudi, cả hai phi công đều thiệt mạng. Glantz và Gideon Dror bị bắt.
       
        Hành quân Moked do không lực Do Thái đảm trách nổi bật hơn những cuộc hành quân khác ở chỗ tốc độ nhanh chóng. Các trận oanh kích, không tập đều xẩy ra đúng như trong chương trình, kế hoạch đã vạch sẵn, việc huấn luyện. Ai Cập, kẻ thù số một, nguy hiểm nhất đã bị tê liệt sức chiến đấu. Các kẻ thù khác Jordan, Syria cũng đã bị loại khỏi vòng chiến. Iraq không là mối quan tâm vì ở xa, trừ phi các phi công Iraq xâm nhập không phận Do Thái.
        Qua ngày thứ hai của trận chiến, không lực Do Thái đã hoàn toàn làm chủ bầu trời vùng Trung Đông. Các phi đoàn oanh tạc cơ được lệnh chuyển mũi tấn công qua yểm trợ quân bộ binh đang tiến nhanh trong sa mạc Sinai. Sau hai ngày tiến quân, bộ binh Do Thái cũng không gặp trở ngại nào đáng kể, số phi vụ yểm trợ giảm dần. Các phi công Do Thái phải bay bốn phi vụ trong ngày đầu tiên, xuống ba phi vụ trong ngày thứ hai và tiếp tục giảm. Các đơn vị bộ binh cũng ít yêu cầu không quân yểm trợ.
        Ba sư đoàn bộ binh Do Thái đánh xuyên qua phòng tuyến Ai Cập trên bán đảo Sinai trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Mười hai tiếng đồng hồ sau (48 tiếng đồng hồ, 2 ngày), quân bộ binh Do Thái đến sát kênh đào Suez và chuẩn bị tấn công. Quân Ai Cập tận dụng mọi nỗ lực đưa thêm quân, đại bác, chiến xa ra chiến trường. Không lực Do Thái lại can thiệp để đỡ gánh nặng cho bộ binh. Hàng trăm phi vụ oanh kích các đoàn quân xa chuyển quân của Ai Cập do các phi tuần Vautour, Mystère và Super Mystère đảm trách, bẻ gẫy các chuyến đưa quân, đồ tiếp liệu đến các đơn vị tiền phương. Các chiến xa, xe vận tải bị cháy ngăn cản luôn đường rút lui của Ai Cập, làm cho trận chiến kết thúc nhanh chóng.
        Những phi cơ Ouragan, Fouga Magister bay chậm dùng để huấn luyện. Trong trận chiến, các phi cơ này được biến cải, trao cho nhiệm vụ đánh phá các đơn vị thiết giáp, cơ giới của địch. Phi đoàn “Huấn Luyện” này cất cánh 15 phút sau khi các phi cơ khác đã trên đường đi chinh phạt trong những giây phút đầu tiên. Mỗi phi cơ đem theo 12 hỏa tiễn 80 ly để xuyên thủng lớp thép bảo vệ chiến xa hoặc hai quả bom 50 kilo và đại liên 30 ly. Trong ngày đầu tiên, các phi công trong phi đoàn bắn phá các mục tiêu trong sa mạc Sinai, các ổ trọng pháo trong giải đất Gaza.
        Sáng ngày 5 tháng Sáu, Quốc Vương Hussein của Jordan bị ảo tưởng tuyên truyền rằng Ai Cập đang thắng thế, ra lệnh tấn công thành phố cổ Jerusalem, thủ đô Tel Aviv, các làng chiến đấu trong vùng trung tâm của Do Thái và phi trường quân sự Ramat David. Sau đó, Jordan đưa lữ đoàn thiết giáp tiến qua sông Jordan. Vua Hussein có nhiều chiến xa Centurion do Anh Quốc chế tạo hơn Do Thái và một số chiến xa Patton của Mỹ. Đơn vị thiết giáp trừ bị Do Thái bảo vệ kinh thành Jerusalem chỉ có loại chiến xa cũ Sherman và loại xe bọc sắt hạng nhẹ AMX do Pháp chế tạo.         
        Do Thái bố trí vài chiến xa cũ kỹ trong Jerusalem, trong khi Jordan có khoảng 100 chiến xa Patton bên kia thung lũng sông Jordan. Đến trưa, các chiến xa Jordan đã băng qua cầu Abdallah đến thành phố cổ trong kinh thánh Jericho, bắt đầu tiến về hướng Jerusalem. Tại nơi con đường Jericho lên đèo, các phi tuần Fouga Magister phục kích bắn phá, tiêu diệt đoàn xe thiết giáp của địch, cứu thành phố Jerusalem khỏi rơi vào tay Jordan.

Ngày 7 tháng Sáu, buổi chiều. Phi công Cochav Hess
        Đến buổi chiều ngày 7 tháng Sáu, quân đội Jordan đang gom lại để rút lui khỏi Jerusalem. Các phi tuần Fouga Magister và Ouragan liên tục oanh kích đường rút lui của địch vể hướng thành phố cổ Jericho kéo dài qua bên kia sông Jordan. Hàng dài quân xa, xe tăng, xe bọc sắt, đại bác trúng đạn, hỏa tiễn bốc cháy dọc trên đường và rải rác hai bên, tuy nhiên súng phòng không của Jordan vẫn bắn lên các phi cơ Do Thái để tìm đường sống.
        Một phi công Do Thái bay Ouragan tên Zike bị trúng đạn phòng không khi oanh kích trại lính Lê Dương (Legion) Jordan gần chiếc cầu Abdallah phải nhẩy dù xuống nơi phiá đông sông Jordan cạnh chân núi Nevo. Viên sĩ quan phi đội trưởng hướng dẫn trực thăng vào cứu người phi công lâm nạn.
        Cochav Hess cùng với phi hành đoàn trên chiếc trực thăng cấp cứu bay vào khe núi trong sa mạc Judean nơi hướng bắc Jerusalem. Phi vụ cấp cứu cũng nguy hiểm khi băng qua thung lũng Jordan, từ trên cao nhìn xuống trông thấy thành phố cổ Jericho, nơi có những mạch nước, cây cỏ xanh tươi. Họ tiếp tục bay tránh hỏa lực phòng không của địch, đến khu vực xung quanh trại lính Lê Dương, dò tìm mật hiệu cấp cứu “Sarah” của Zike.
        Cochav nghe tiếng đạn súng trường, súng tiểu liên quân Lê Dương bắn lên trúng vào thân tầu bay nghe “Bụp! Bụp”. Chuyên viên cơ khí phi hành đoàn báo cáo cho chàng biết, đạn trúng vào thùng xăng, mùi xăng bốc vào bên trong máy bay có nguy cơ bốc cháy trên không. Cochav biết rằng, ở dưới là địch không thể hạ cánh được, thêm vào mật hiệu cấp cứu “Sarah” do Zike phát đi liên tục đã nhận được, họ không thể bỏ rơi đồng đội. Sống chết gì cũng phải vào cứu Zike, phải tìm ra chàng phi công Do Thái trước khi quân Lê Dương tóm được. Địch quân trông thấy Zike nhẩy dù ra, đã ra lệnh cho một tiểu đội đi lùng bắt. Tiểu đội Lê Dương trông thấy trực thăng cấp cứu nên xả súng bắn lên máy bay. Trường hợp khẩn cấp, trước hết phải liên lạc coi tình trạng của Zike như thế nào, còn chạy được không hay bị thương. Cochav lên tiếng gọi “Sickle Two, Sickle Two (Lưỡi Liềm số Hai) bạn nghe tôi, trả lời”. Tiếp theo là hai tiếng “Sarah” Zike trả lời (nhận rõ).
        Cochav thầm nghĩ, chắc chắn Zike đang chạy như điên cuồng để tránh những loạt đạn của toán quân đuổi theo. Tụi nó cũng có thể bắn rớt mình luôn nhưng mặc kệ, tới đâu thì tới, cứ vào cứu Zike, cùng chết cả cũng được. Cochav liên lạc, hướng dẫn Zike “Sickle Two, chạy về hướng đông, rồi ngược về chỗ bọn nó. Có một ngọn đồi và đằng sau là thung lũng bằng phẳng, bọn tôi sẽ đến đó “nhổ” bạn lên”.
        Nhận được mật hiệu của Zike, Cochav bay đi hướng khác như bay về lại đất Do Thái để đánh lạc hướng địch quân, sau đó vòng lại đáp xuống đằng sau ngọn đồi chờ Zike chạy đến điểm hẹn. “Sickle Two, bạn có thấy tôi không?”. Zike trả lời “Không!”. Điều này làm cho Cochav vững tâm, như vậy quân Lê Dương cũng không trông thấy chỗ đáp máy bay. “Tụi này hẹn gặp bạn nơi phiá sau ngọn đồi”, Zike trả lời “Đáp nhận”.
        Vài phút sau, bỗng nhiên Zike hiện ra chạy về hướng chiếc trực thăng, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo bay. Người chuyên viên cơ khí đưa tay ra nắm lấy tay Zike kéo lên sàn tầu, rồi la to “Dọt lẹ, tụi nó bắn súng cối”. Chiếc trực thăng bốc lên cao, Cochav liên lạc với trung tâm hành quân và được lệnh lái chiếc trực thăng trúng đạn đã gần hết xăng về phi trường mới chiếm được của Jordan ở Kalandia. Sau đó, Cochav được ân thưởng huy chương anh dũng bội tinh cao nhất trong không lực Do Thái.

Những trận không chiến
        Qua ngày thứ tư, bộ binh Do Thái lấy được mấy ngọn đèo trong vùng Sinai và rải quân dọc theo kênh đào Suez. Họ đang chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng, dứt điểm phần còn lại của mấy sư đoàn bộ binh Ai Cập đang chiến đấu trong tuyệt vọng. Các phi công Ai Cập cũng can đảm, cất cánh từ những phi trường đã bị oanh kích tơi bời trong vùng thung lũng sông Nile lên chặn bước tiến quân của không quân, lục quân Do Thái.
        Qua hai trận chiến, không lực Do Thái đã phát triển hệ thống radar báo động rất tốt. Mặc dầu đã có những phi đội chiến đấu cơ Mirage bay bao vùng, thỉnh thoảng phi công vẫn được trung tâm hành quân, đài kiểm soát không lưu điều động bay đi nơi khác tấn công phi cơ địch khi các dàn radar phát hiện.
        Trong trận chiến Sáu Ngày, không lực Do Thái cho thêm 60 phi cơ địch vào bảng phong thần cùng với số phi cơ bị tiêu diệt trong các phi trường qua các trận không chiến. Một phần tư trong số 60 phi cơ bị bắn rơi bởi bốn phi công lẫy lừng Do Thái. Giora Rom đứng đầu bảng với năm chiếc, sau này lên làm tư lệnh phó không quân. Oded Sagee, Menachem Shmul và Asher Snir mỗi người bắn rơi ba chiếc trong trận chiến đầu tiên của họ.
        Sagee bắn rớt chiếc Hunter của Jordan khi chiếc này tấn công máy bay vận tải Nord của Do Thái tại phi trường Sirkin. Buổi sáng hôm đó, Sagee bắn hạ một trong bốn oanh tạc cơ SU-17 trong lúc các phi cơ này tấn công bộ binh Do Thái. Đến xế chiều, Sagee cùng với một phi công khác, bắn rớt thêm hai chiếc MIG-19 trong vùng trung tâm bán đảo Sinai.
        Shmul bắn rơi ba phi cơ địch trong hai ngày cuối của trận chiến. Nạn nhân đầu tiên là một chiếc MIG-19 trong phi đội bốn chiếc bị Shmul bắn rơi trên kênh đào Suez. Shmul theo linh tính, kinh nghiệm bắn rơi chiếc phi cơ này vì bộ phận nhắm của súng đại bác trên máy bay chàng bị hỏng. Buổi chiều hôm đó, Shmul bay trở lại kênh đào Suez ngăn cản bốn oanh tạc cơ IL-28 được MIG-21 hộ tống thả bom bộ binh Do Thái. Bất chợt một chiếc IL-28 bỏ đội hình bay riêng, Shmul nghi ngờ chiếc này sẽ thả bom thành phố đông dân cư của Do Thái nên cũng bỏ đội hình Mirage bay theo. Xạ thủ đại liên gắn dưới bụng chiếc IL-28 trông thấy Shmul đuổi theo khai hỏa khẩu đại liên, Shmul đáp lễ bằng đại bác 37 ly, bắn đứt đuôi chiếc phi cơ Ai Cập cùng với ổ đại liên gắn dưới bụng. Sau khi thanh toán xong chiếc IL-28, Shmul bay trở lại kênh đào Suez đúng lúc một chiếc MIG-21 đang bay trước mặt, chàng tăng tốc độ bắt kịp chiếc phi cơ tối tân của Nga Sô rồi khải hỏa bắn hạ phi cơ địch.
        Chiến công đầu của Asher Snir là một chiếc MIG-21 nơi phi trường T-4 ở Syria. Chàng bắn hạ hai chiếc khác trong một trận không chiến xẩy ra trong ngày thứ năm của trận chiến. Một phi tuần phản lực MIG bất ngờ xuất hiện, tấn công đơn vị Dù Do Thái gần kênh đào Suez làm cháy xe chở quân rồi bỏ chạy về hướng Ai Cập. Snir cùng với một phi công bạn đang bay tuần tiểu trong vùng biển Điạ Trung Hải, nghe được lời cầu cứu của đơn vị Dù liền bay xuống. Hai phi công Do Thái trông thấy mấy phản lực cơ MIG đang bay dưới cao độ 8000 bộ về căn cứ của họ nơi hướng tây. Trên không phận Ismailia, Snir đuổi kịp viên phi tuần trưởng Ai Cập. Tràng đạn đầu tiên làm đuôi chiếc MIG bốc cháy. Thêm một chiếc MIG khác xuất hiện thật gần trước mặt Snir, nếu chàng khai hỏa, chiếc Mirage của chàng cũng trúng miểng nổ tung. Viên phi công phi trưởng bay chiếc Mirage thứ hai báo cho Snir biết, súng đại bác của anh ta bị kẹt đạn, không xử dụng được. Phi công Ai Cập lái chiếc MIG biết bị bám sau đuôi, vội bẻ quặt sang hướng khác. Snir biết sự giới hạn của loại máy bay địch, cũng đổi hướng bay theo, khi còn cách khoảng 500 thước, chàng khai hỏa khẩu đại bác bắn gẫy cánh chiếc MIG. Chiếc phản lực của Ai Cập lật ngược, rớt xuống ngay trên phi đạo, phi trường Ai Cập trong vùng bình nguyên sông Nile.

Ngày 7 tháng Sáu 1967, lúc 12 giờ trưa. Phi đoàn Inverted Sword
        Lúc 10 giờ 30 phút sáng, mười ba trực thăng trong phi đoàn Thanh Kiếm Ngược được lệnh bay đến Eilat ứng chiến. Các phi công trực thăng cất cánh từ phi trường Yemen bay gần một tiếng đồng hồ ở cao độ thấp ngang qua sa mạc Negev. Phi đoàn này được lệnh giữ im lặng vô tuyến, sẵn sàng nhận lệnh hành quân. Quân đội Jordan trong vịnh Aqaba đang nhìn ngó Eilat của Do Thái mà dường như đã bỏ ngõ. Mục đích của Do Thái sẽ xử dụng quân Nhẩy Dù dùng trực thăng vận đánh chiếm Sharm Al Sheikh. Do Thái lúc đó e ngại Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp, bắt Do Thái ngừng trận tấn công do đó phải dứt điểm bán đảo Sinai cũng như Sharm Al Sheikh, khai thông thủy lộ Tiran trước khi quyết định của Liên Hiệp Quốc về ngưng bắn có hiệu lực. Phi đoàn trực thăng dành ưu tiên một chuyên chở quân Dù.
        Các binh sĩ Dù lên ba trực thăng Super Frelon bay dưới cao độ thấp đi tấn công, đoàn quân này được chiến đấu cơ bay trên cao bảo vệ mặc dầu không có sự đe dọa của địch. Để được an toàn và yếu tố bất ngờ, họ bay dọc theo bờ biển bỏ hoang Saudi Arabia, người Ả Rập Saudi cũng chẳng khai thác gì được nơi bờ biển này. Không đầy một giờ đồng hồ sau, đoàn quân tấn công đã đến mục tiêu. Các phi công trực thăng lượn vòng trên bầu trời Sharm Al Sheikh cho các sĩ quan chỉ huy đơn vị Dù dùng ống nhòm thám sát điạ thế mục tiêu. Quân Ai Cập đã rút, bỏ trống căn cứ khi được biết những tin chẳng lành từ các chiến trường.
        Trực thăng đáp xuống căn cứ bỏ trống, binh sĩ Dù từ trong trực thăng uà ra tuyến phòng thủ bảo vệ căn cứ. Chuyên viên kỹ thuật không quân thiết lập vội đài kiểm soát không lưu, báo cáo về trung tâm hành quân để đưa thêm quân Dù lên bằng vận tải cơ. Hai tiếng đồng hồ sau, các vận tải cơ đưa thêm quân đồ tiếp liệu đến căn cứ, biến Sharm Al Sheikh thành một căn cứ quân sự của Do Thái. Xong nhiệm vụ, các phi công trong phi đoàn trực thăng Thanh Kiếm Ngược, mệt mỏi bay về Eilat. Trên đường về họ nhận được một tin mà tất cả mọi người DoThái đều mừng rỡ. Một đơn vị Dù khác đã cắm cờ khu phố cổ trong thành phố Jerusalem (Old City), kể cả bức tường “Than Khóc” (Wailing Wall) một chốn rất linh thiêng đối với người Do Thái.
        Đúng 6 giờ sáng, sĩ quan hành quân (ban 3) phi đoàn Rafi Har Lev ra lệnh tập họp “tất cả các phi công, phi cơ gom lại theo từng phi đội. Mình có chỗ “làm ăn lớn” nơi phiá bắc”. Từng phi đội nối đuôi nhau cất cánh, mỗi sĩ quan phi đội trưởng nhận nhiệm vụ riêng. Một phi đội bốn chiếc bay đi cây cầu bắc qua sông Jordan vừa mới chiếm được và đặt dưới quyền xử dụng của đơn vị trưởng đơn vị bô binh. Một phi đội khác ứng chiến cho việc cấp cứu phi công lâm nạn. Phi đội còn lại bay lên phiá bắc làm việc với đơn vị bộ binh. Quân đội Syria pháo kích liên tục lên những làng chiến đấu Do Thái nơi hướng bắc vùng Galilee và thung lũng sông Jordan. Ngày 6 tháng Sáu, Syria đưa một sư đoàn bộ binh với 6 chiến xa đến sát, chỉ còn cách vài trăm thước làng chiến đấu Dan. Không lực Do Thái cùng với đơn vị chiến xa, bộ binh đẩy lui quân đội Syria nhanh chóng nhưng họ vẫn tiếp tục pháo kích.
        Trên phi trình từ Eilat đi Tiberias, phi đội trực thăng ghé “nhà” lấy thêm xăng, “bốc” Rafi Sivron cùng với Sagee. Hai sư phụ này dường như đã biết được những gì sẽ phải làm cho bộ tư lệnh Phương Bắc (Northern Command).
        Đến Poria, bộ tư lệnh tiền phương nơi hướng bắc Tiberias, sĩ quan phi tuần trưởng vào trình diện Thiếu Tướng David “Dado” Elazar. Điều này hơi khác thường, Thiếu Tá ít khi được dịp trình diện thẳng một vị Thiếu Tướng. Tướng Dado trực tiếp ra lệnh cho sĩ quan không quân chuẩn bị cho chuyến đổ quân đêm ngoài cửa miệng sông Yarmukh để làm bàn đạp đánh chiếm cao nguyên Golan Heights.
        Trên chiến trướng phiá bắc, chỉ có phi công bay đơn độc, tìm vị trí pháo binh của Syria để thanh toán. Đến buổi tối, có tin đồn về ngưng bắn với Ai Cập và Tổng Thống Nasser từ chức nhưng sĩ quan Do Thái đã phá tan những tin đồn không đúng đó.
        Trong vùng biển Điạ Trung Hải, đối diện với thành phố Rafah, một chuyện lạ xẩy ra bao gồm phi cơ, tầu phóng thủy lôi Do Thái và một chiếc tầu thuộc Hải Quân Hoa Kỳ. Chiếc tầu này không số, không phù hiệu, không cờ, trang bị radar, máy truyền tin, di chuyển trong vùng biển nơi có những trận giao tranh. Sau khi phản lực cơ Mirage bắn cảnh cáo, tầu phóng thủy lôi tấn công, thủy thủ trên chiếc tầu lạ mặt này mới trương cờ Hoa Kỳ lên. Đó là chiếc tầu gián điệp Liberty của cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA Hoa Kỳ. Chiếc Liberty bị “ăn đòn” nặng với hơn chục thủy thủ chết, bị thương nằm la liệt trên sàn tầu. Họ nổi giận không thèm nhận sự săn sóc, giúp đỡ của Do Thái. Chính phủ Do Thái phải lên tiếng xin lỗi và vài năm sau bồi thường cho nạn nhân.
        Sau khi đến bộ tư lệnh tiền phương Bắc, trực thăng trong phi đoàn Thanh Kiếm Ngược bay những phi vụ tản thương, tiếp tế cho các đơn vị bộ binh Do Thái đang tấn công lên cao nguyên Golan Heights. Buổi chiều ngày 9 tháng Sáu, trong lúc quân Do Thái đang tấn công quyết liệt. Thiếu Tướng Dado mời sĩ quan liên lạc không quân vào họp rồi ra lệnh hành quân đêm, đưa một đơn vị bộ binh vào tấn công một ngã tư quan trọng ở Peak El Al. Mặc dầu quân đội Syria có thể trang bị vũ khí bắn máy bay, công sự phòng thủ kiên cố, Tướng Dado vẫn tin tưởng mục tiêu Peak El Al sẽ quyết định chiến trường.
        Trong khi chờ đợi sự chấp thuận cho dự án tấn công, sĩ quan không quân làm việc với sĩ quan hành quân, tình báo tác chiến bộ binh để soạn thảo kế hoạch cho trận tấn công. Tuy nhiên đơn vị Dù được gửi đến từ Jerusalem, sau khi họ đã cắm cờ lên thành phố cổ Old City vẫn còn mệt mỏi, chưa tổ chức lại đầy đủ, nên Tướng Dado đồng ý cho đình hoãn trận tấn công đến đêm sau.
        Sáng ngày 9 tháng Sáu, bộ binh Do Thái tấn công một số vị trí Syria ở Kineitra và Tel Fachar. Chiến đấu cơ cũng oanh tạc vị trí pháo binh nơi hướng nam cao nguyên Golan. Trong khi chờ đợi cho trận tấn công quyết định vào buổi tối, Tổng Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan, Thủ Tướng Levi Eshkol bất ngờ ghé thăm bộ tư lệnh tiền phương Bắc.
        Đến xế chiều hôm đó, hai lữ đoàn bộ binh Do Thái đã tiến quân vào trong cao nguyên Golan Heights. Tướng Dado hãnh diện nói với vị tham mưu trưởng của ông “Phòng tuyến Syria đã tan vỡ, bọn chúng đang trên đường rút lui, phá hủy những khẩu đại bác, đạn pháo binh. Dân tỵ nạn Syria cũng bỏ làng, gồng gánh đi theo đoàn quân triệt thoái”
        Khoảng 10 giờ sáng, Tướng Dado ra lệnh “Tiếp tục tiến sâu vào cao nguyên Golan Heights. Lực lượng Dù cùng với Thiết Kỵ sẽ tiến về Touefik phiá trên Tel Katzir. Một đơn vị Dù thứ hai sẽ được trực thăng vận đến tấn công những căn cứ tiền phương Syria kiểm soát những cao điểm trên vách núi đá.
        Trong căn cứ tiền phương Poria, các phi cơ trực thăng trong phi đoàn Thanh Kiếm Ngược đậu thành hàng sẵn sàng đi hành quân. Đó cũng là nhiệm vụ cuối cùng dành cho phi đoàn trong trận chiến Sáu Ngày. Tướng Dado dự định đổ quân vào sớm chiều, điều này khó khăn, cần phải có một số lượng trực thăng lớn, tuy nhiên các sĩ quân không quân đã sẵn sàng ra đi. Đúng hai giờ chiều đoàn trực thăng cất cánh đem theo binh sĩ Dù đi tấn công các cao điểm của Syria, dân trong làng chiến đấu chạy ra khỏi hầm nhìn theo đoàn máy bay.
        Rafi Sivron dẫn đầu, hướng dẫn đoàn trực thăng đến đồn cảnh sát Syria. Đồn này được xây bằng đá rất kiên cố. Quân Nhẩy Dù từ trong trực thăng tấn công tràn ra mới biết địch quân đã rút đi. Các trực thăng để quân Dù lại, bay về Poria để chuẩn bị cho đợt đổ quân vào vị trí quan trọng Peak El Al mà đã đình hoãn lại từ đêm qua.
        Đoàn trực thăng bay theo hướng đông dọc theo Yarmukh phiá nam ngã tư Peak El Al, sau đó bay về phiá bắc, đáp xuống ngay ngã tư, trên những ổ súng phòng không của Syria. Đơn vị Dù cùng phi hành đoàn trực thăng đã vào sâu phòng tuyến địch. Bị bất ngờ, quân Syria quay các ổ trọng pháo về phiá đoàn trực thăng Do Thái nhưng quân Nhẩy Dù đã nhanh chóng nhẩy ra khỏi trực thăng thanh toán mục tiêu trong vòng vài phút. Trong khi đó trên chiếc trực thăng chỉ huy, vị tiểu đoàn trưởng Dù Danny Matt bay đi bay về đem theo lệnh ngưng bắn từ bộ chỉ huy lữ đoàn. Lệnh ngưng bắn sẽ có hiệu lực đúng 4 giờ chiều.
        Danny không muốn lệnh ngừng bắn đến quá sớm trước khi hoàn thành mục đích. Cùng với vị phi đoàn trưởng, họ yêu cầu được tiếp tục tấn công dọc theo con đường lên đến ngã tư đi Botmiya. Điều này phải có sự ưng thuận của cấp chỉ huy cao hơn trong bộ tư lệnh Phương Bắc (Northern Command). Tuy nhiên Tướng Dado không có trong bộ tư lệnh tiền phương, ông ta đang bay với vị tổng tham mưu trưởng Yitzak Rabin đến Kuneitra. Bộ tham mưu cố liên lạc với trực thăng chở hai ông tướng, được viên phi công la lớn trong máy rằng đang bị một chiếc MIG-21 săn đuổi. Mọi người trong trung tâm hành quân nín thở theo dõi, sau đó được đài kiểm soát không lưu cho biết chiếc trực thăng chui vào một hẻm núi trốn chiếc MIG-21 do đó đường liên lạc vô tuyến bị mất sóng.
        Trong bộ tư lệnh tiền phương, người có chức vụ cao nhất là vị lữ đoàn trưởng đơn vị Dù Elad Peled, ông ta ra lệnh cho một trực thăng bay thám thính trước rồi sẽ quyết định sẽ tấn công hay không. Vị phi đoàn trưởng cùng phi công trực thăng bay đi thám thính. Trên đường bay họ gặp một xe thiết giáp và vài người lính bộ binh Syria, tiếp theo là cả một sư đoàn với phòng tuyến, công sự phòng thủ vững chắc. Chiếc trực thăng đổ một toán quân Dù xuống Tel Fares làm nút chặn, sau đó bay về Peak El Al báo cáo.
        Qua lời bàn của hai sĩ quan không quân, vị tiểu đoàn trưởng Dù Danny Matt xin chấp thuận đưa một đơn vị Dù nữa lên đánh chiếm Botmiya. Theo nhận xét của họ, mặc dầu đã chiếm được Peak El Al, các làng định cư, chiến đấu Do Thái trong vùng Galilee vẫn nằm trong tầm đạn súng cối của địch. Nếu Do Thái thành công trong việc chiếm Botmiya, họ sẽ kiểm soát cả khu vực phiá đông cao nguyên Golan Heights, bảo đảm an ninh cho các làng Do Thái ra khỏi tầm đạn súng cối và ngay cả pháo binh của Syria.
        Chuyến trực thăng vận đầu tiên có ba trực thăng đưa 30 quân Dù vào Botmiya thiết lập trạm tiếp vận, hướng dẫn phần còn lại của tiểu đoàn đến sau. Từ tuyến xuất phát trong bộ tư lệnh tiền phương ở Poria, phi đoàn trực thăng được tăng cường thêm trực thăng Super Frelon (tương tư như loại trực thăng Chinook) để đưa thêm xe Jeep trang bị đại bác không dật, thiết vận xa chở quân và súng chống chiến xa. Đến tối, trong khu vực ngã tư Peak El Al có 200 quân Dù và Botmiya có thêm 400 quân, thiết lập tuyến phòng thủ xa nhất của Do Thái trên cao nguyên Golan Heights. Vài tiếng đồng hồ sau, các đơn vị thiết giáp, biệt động quân (Commando) tiến lên bắt tay các chiến sĩ Dù. Đến nửa đêm, Do Thái đã làm chủ vùng phiá nam cao nguyên Golan Heights.
        Trước đó, lúc 6 giờ chiều khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực, đơn vị Dù trong Botmiya phục kích, tiêu diệt một đoàn quân xa chở quân Syria trên đường rút lui từ Kineitra. Họ bắn cháy 60 xe vận tải chở quân, giết chết, làm bị thương vài trăm binh sĩ Syria. Số tổn thất lớn nhất của địch trong vùng cao nguyên Golan Heights. Trận chiến kết thúc.
        Buổi sáng ngày hôm sau, phi đoàn trực thăng Thanh Kiếm Ngược đã hoàn tất nhiệm vụ trao phó. Lần đầu tiên trong lịch sử Do Thái, giữa bầu trời xanh, phi đoàn trực thăng bay trên không phận Judea và Samari. Họ đáp xuống thành phố cổ Jerusalem trước bao cặp mắt ngạc nhiên, thán phục của người dân Do Thái, lần đầu tiên trông thấy “máy bay lên thẳng”, sau đó tiếp tục bay về hậu cứ trong căn cứ không quân Tel Nof.

        Trước khi trận chiến xẩy ra, không lực Do Thái chỉ có 210 phi công lái máy bay chiến đấu, thả bom và 180 phi cơ, thêm vào là 20 chiếc Fouga Magisters trong trường huấn luyện sĩ quan không quân. Do Thái có 40 trực thăng và 50 phi cơ vận tải. Trong đợt không tập đầu tiên, không lực Do Thái xử dụng 160 phi cơ tấn công 11 phi trường quân sự của Ai Cập. Trong đợt thứ hai, xử dụng 164 phi cơ tấn công 14 phi trường của Ai Cập. Những đợt tiếp theo tấn công những phi trường còn lại của Ai Cập và 2 phi trường của Jotdan, 5 phi trường của Syria.
        Trong các trận không tập này, Do Thái chỉ mất 10 phi cơ. Phiá Ả Rập bị thiệt hại 391 phi cơ thêm 60 chiếc bị bắn rơi trong các trận không chiến. Trên các trận oanh kích yểm trợ cho bộ binh, không lực Do Thái bị bắn rơi 46 chiếc, 24 phi công và hướng dẫn viên (navigators) tử trận, 7 bị địch bắt và cứu thoát 15 phi công. Con số thiệt hại về phiá Do Thái rất nhỏ so với tất cả 3250 phi vụ tác chiến.

No comments:

Post a Comment